Mẫu Thượng Ngàn Tối tú anh linh
Nhắc đến hệ thống Đạo Mẫu Tứ Phủ, một trong số những vị Thánh Mẫu có đông đảo con nhang đệ tử tôn kính và ngưỡng vọng bậc nhất chính là Mẫu Thượng Ngàn, hay còn được gọi với nhiều các tên khác như: Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Lâm Cung Thánh Mẫu, Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên…
Thông qua nhiều năm làm người con nơi cửa Mẫu cùng với những tài liệu đã thu thập va tham khảo được tại các đền Mẫu Thượng Ngàn, website Tứ Phủ xin gửi tới quý vị toàn bộ những thông tin về Mẫu thông qua bài viết này. Mời quý vị đón đọc.
Danh tính của Mẫu Thượng Ngàn
Mẫu Thượng Ngàn (母上𡶨) tên thật là La Bình Công chúa, là vị Thánh Mẫu cai quản miền Nhạc Phủ (miền thượng ngàn rừng núi) trong hệ thống Tứ Phủ Vạn Linh. Mẫu Thượng Ngàn là một trong số 4 vị Thánh Mẫu trong hàng vị Tam Tòa Thánh Mẫu (Tứ Phủ Thánh Mẫu).
Mẫu Thượng Ngàn có thể được gọi là Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn (theo Tam Phủ) hay Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên (theo Tứ Phủ), cả hai cách gọi đều không sai, cách tùy thuộc vào hàng vị của Mẫu khi được đặt trong hệ thống Tam Phủ Công Đồng hay Tứ Phủ Vạn Linh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi về những lời tương truyền trong tín ngưỡng dân gian Đạo Mẫu, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn chính là con gái của Vua Cha Nhạc Phủ (Tản Viên Sơn Thánh) và nàng Mỵ Nương Ngọc Hoa (Con gái của Vua Hùng Vương thứ 18 trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh). Nhân dân truyền tai nhau rằng La Bình Công Chúa là một người đức hạnh, tài sắc vẹn toàn, là một người con gái bản lĩnh, sáng dạ, thành thạo mọi việc.
Từ lúc Tản Viên Sơn Thánh được Vua Cha Ngọc Hoàng triệu gọi lên trời phong làm Vua Cha Nhạc Phủ thì La Bình Công Chúa được vua cha trao lại quyền cai quản miền Nhạc Phủ gồm 81 cửa rùng từ núi non hang động tới các miền trung du và muôn loài, La Bình Công Chúa chính thức trở thành Mẫu Thượng Ngàn.
Nhạc Phủ và Tam Tòa Sơn Trang
Nhạc Phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ mà Mẫu Thượng Ngàn cai quản vốn phát triển từ tín ngưỡng thờ Sơn Trang của Đồng bào miền núi phía Bắc sau được sáp nhập cùng Đạo Mẫu.
Vì thế mà bạn sẽ luôn nghe thấy được danh từ Tam Tòa Sơn Trang mà Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn (Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên) là vị đứng đầu, nhưng cũng có nơi cho rằng Tam Tòa Sơn Trang là hàng vị nằm dưới quyền cai quản của Mẫu hoặc cả ba vị trong Tam Tòa Sơn Trang đều là những hóa thân của Mẫu.
Tam tòa Sơn Trang bao gồm:
- Thanh Sơn Chính Phái Đệ Nhất Thượng Ngàn, sắc phong Lê Mại Đại Vương, hiệu viết Bạch Anh Quản Trưởng Sơn Lâm Công Chúa
- Đệ Nhị Thượng Ngàn Cao Sơn Công Chúa Diệu Tín Thiền Sư
- Đệ Tam Thượng Ngàn Sơn Trang Tàng Hình Diệu Nghĩa Thiền Sư
Các danh hiệu của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
- Mẫu Đông Cuông được gọi theo địa danh Đông Cuông nơi ngôi đền Mẫu ngự.
- Lê Mại Đại Vương theo sắc phong của vua Lê lúc bà hoá phép giúp vua đánh giặc.
- Sơn Mẫu theo tên của mẹ hoặc con Sơn Tinh.
- Mỵ Nương Quế Hoa (媚娘桂花), Mỵ nương La Bình theo tên gọi của nguồn gốc xuất thân lúc giáng trần.
- Lâm Cung Thánh Mẫu [林宮聖母] chính là tên gọi khi hiển thánh tại đền Đông Cuông, Yên Bái.
- Bạch Anh Công Chúa [白英公主]
- Sơn Lâm Công Chúa [山林公主]
- Bà Chúa Thượng Ngàn [婆主上𡶨]
- Bà Chúa Sơn Trang [婆主山莊]
- Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên [母第四岳仙]: trong các bản chầu văn, khi thứ tự các phủ được xếp là Thiên – Địa – Thoải – Nhạc
Công lao của Mẫu Thượng Ngàn
Vì là một người tài giỏi, bản lĩnh lại vô cùng yêu thương dân chúng nên từ lúc cai quản Nhạc Phủ thì nơi đây cây cối tốt tươi, muôn loài được phát triển, người dân có được cuộc sống vô cùng sung túc.
Thường ngày, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn đi khắp mọi miền nhạc phủ mà học hỏi nhiều điều, cùng với vua cha dạy dân chúng nhiều điều từ săn bắn, trồng cây, trồng lúa, làm ruộng bậc thang, hái thuốc chữa bệnh… Từ đó mà được Đức Vua Cha Ngọc Hoàng ban cho nhiều phép thuật thần thông để dễ bề cai quản.
Ngoài việc chăm lo cho đời sống thường ngày của con dân nước Nam thì Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn trong tương truyền Đạo Mẫu Việt Nam còn gắn liền với việc hiển linh vệ quốc, bảo vệ bờ cõi khỏi quân xâm lược. Người dân có tín niệm rằng việc chiến thắng các quân xâm lược qua các triều đại Việt Nam đều có sự phù hộ của Mẫu Thượng Ngàn mà sau mỗi cuộc chiến đều tới đền Mẫu làm lễ tạ ơn và dâng chiếu sắc phong.
Nổi bật trong vô vàn cuộc chiến, phải kể tới thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn chông lại quân đội nhà Minh của Trung Quốc. Lúc ấy, lực lược của nghĩa quân còn mỏng yếu, đóng quân tại Phản Ấm thì bị địch tập kích đánh cho tan tác, nghĩa quân lúc ấy phải chia ra để tránh mũi nhọn của địch. Trong đêm tối, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn đã hiển linh hóa thành các bó đuốc lớn để soi đường cho quân sĩ và dẫn dắt họ tới đất Mường Yên để về Chí Linh. Ánh được thần kỳ ấy chỉ có quân đội của Lê Lợi nhìn thấy mà quân Minh tuyệt không thể phát hiện.
Tại Chí Linh, nghĩa quân được Mẫu chở che để vừa tập luyện chiêu binh, vừa sản xuất để ngày càng lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần tới tập kích nhưng chẳng thể nào thành công mà đành phải rút về. Cuối cùng, từ Chí Linh, đội quân của Lê Lợi tiến đánh quân Minh để giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa rồi chiến thắng vang dội ở Tốt Động, Chúc Động.
Tại Chi Lăng, lúc ấy sức quân của vua Lê đã dần yếu đi, không còn đủ sức để đánh một trận chiến cuối cùng. Lúc bấy giờ, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn mới hô các quân Mường, quân Mán từ 81 cửa ngàn, 36 cửa rừng và 16 cửa bể đến Bắc Lệ, chiếm lại thành Xương Giang từ tay giặc, phò minh quân dẹp giặc.
Lúc đó Mẫu sắc sai Chầu Năm trấn ngay cửa rừng Suối Lân, khi nào thấy giặc đến thì đem quân ngàn ra mà đánh. Mế Lục trấn tại cánh Hữu Lũng, Mế Bé trấn ở Voi Xô. Trên đèo Kẻng, Mẫu cho dàn quân, Bát Bộ Sơn Trang chia ra trấn từng vùng từng phương khắp vùng Quan Lạng. Mẫu cùng Đệ Nhị Sơn Trang Diệu Tín và Đệ Tam Sơn Trang Diệu Nghĩa đứng trên núi Mỏ Ba quan sát, chỉ đạo trận chiến. (từ trận chiến này mới có ngôi đền Công Đồng Bắc Lệ. “Công Đồng Bắc Lệ” ở đây không phải là đền thờ công đồng Tứ Phủ, mà là công đồng các chúa Mán, chúa Mường, Bát Bộ Sơn Trang, lang hùm lang sói.)
Mẫu báo cho vua phải giả thua để dụ giặc vào trận mai phục tại ải Chi Lăng. Đồng thời Mẫu cũng báo cho vua ba tử huyệt của Liễu Thăng là đôi mắt, gáy và rốn; hãy dụ đánh đến trên núi mặt quỷ, dưới gốc cây to, khi nào thấy hắn ôm mặt thì chém sau gáy.
Theo lời của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn bày binh bố trận, cuối cùng thì tướng Liễu Thăng của giặc Minh bị chém và quân Minh bị đánh cho tan tác, giành lại được tự do cho bờ cõi nước Nam.
Đền thờ của Mẫu Thượng Ngàn
Vì là một ví Thánh Mẫu cai quản miền thượng ngàn rừng núi trong Đạo Mẫu Tứ Phủ nên các đền thờ của Mẫu Thượng Ngàn thường được lập tại miền sơn cước nơi mà Mẫu từng hiển linh.
Nhân dân và các con nhang đệ tử của Đạo Mẫu lấy ngày Mão đầu tiên tháng 2 âm lịch hàng năm làm ngày khánh tiệc Mẫu Thượng Ngàn.
Vì gắn liền với đời sống của nhân dân nên hiện nay có rất nhiều đền thờ Mẫu được lập ra nhưng trong số đó có 3 đền thờ chính gắn liền với các sự tích hiển linh của Mẫu.
Đền Bắc Lệ tại Lạng Sơn
Nằm trên ngọn đồi cao, ẩn mình giữa tán cây xanh mát, đền Bắc Lệ mang kiến trúc độc đáo với ba gian thờ ba vị Tòa Thánh Mẫu. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm bái Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên (Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn) mà còn hòa mình vào không gian linh thiêng, thanh tịnh.
Lễ hội Đền Bắc Lệ, được tổ chức vào ngày 18 đến hết ngày 20/9 âm lịch hàng năm. Lễ hội có nhiều sự kiện như lễ tắm Ngai, lễ chính tiệc, lễ rước,…
Đền Suối Mỡ tại Bắc Giang
Nổi tiếng với khu quần thể di tích đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, nơi thờ Thánh Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn – Bà Mẹ của núi rừng. Đền Trung Suối Mỡ tọa lạc riêng biệt, tựa như hòn đảo giữa dòng suối thơ mộng, tạo nên khung cảnh hữu tình. Kiến trúc đền độc đáo, thờ phụng công chúa Quế Mỵ Nương cùng các vị thần linh khác.
Tại Đền suối Mỡ, vào ngày 30 tháng 3 âm lịch và ngày 1 tháng 4 âm lịch hàng năm sẽ tổ chức lễ hội tưởng nhớ Mẫu Thượng Ngàn, trong lễ hội có tổ chức lễ rước kiệu, dâng lễ vật để tổ chức đản lễ dâng lên Mẫu cầu cho một năm bình an, thuận hòa.
Đền Mẫu Đông Cuông tại Yên Bái
Di tích lịch sử cấp quốc gia, đền Đông Cuông thờ Mẫu Thượng Ngàn – vị Mẫu có công giúp vua Lê đánh tan giặc ngoại xâm. Nơi đây lưu giữ hình ảnh Mẫu cai quản 81 cửa rừng, mang đến sự bình an cho vùng đất. Đền gồm 4 điểm: Miếu Cô, Miếu Cậu, Miếu Đức Ông và đền chính, mỗi nơi đều mang giá trị văn hóa và tâm linh riêng.
Hàng năm vào ngày tiệc Mẫu Thượng Ngàn được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên tháng 2 âm lịch hàng năm, tại đền Đông Cuông thường tổ chức lễ hội, trong đó đặc sắc nhất là lễ rước Mẫu qua sông được rất nhiều khách và người dân gần xa quan tâm và tham gia.
Ngoài 3 đền thờ chính trên, Mẫu Thượng Ngàn vì còn là một trong Tam Tòa Thánh Mẫu (Tứ Phủ Thánh Mẫu) nên người còn được đặt tượng thờ tại ban thờ Mẫu, tượng thường mặc trang phục màu xanh lá và ngồi bên tay phải Mẫu Liễu Hạnh.
Lời gửi gắm
Mẫu Thượng Ngàn là vị Thánh Mẫu anh linh, được nhân dân vô cùng kính ngưỡng và biết ơn. Lòng thành kính, biết ơn đối với Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn đã, đang và sẽ luôn được người dân Việt Nam gìn giữ và phát huy như một nét đẹp văn hóa tâm linh thiêng liêng. Mong sao đạo pháp ngày càng hưng thịnh, con nhang đệ tử được Mẫu ban phúc, mạnh khỏe, bình an, tài lâu giàu bền.
Kính dâng lòng thành kính lên Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên (Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn), cầu mong Mẫu luôn phù hộ độ trì cho chúng con được bình an, may mắn, sức khỏe dồi dào, cuộc sống sung túc, hạnh phúc.
Nguồn tham khảo:
- Lâm Cung Thánh Mẫu – Wikipedia
- Sự tích dân gian về Mẫu Thượng Ngàn
- Các văn bản cổ còn lưu trữ về Mẫu Thượng Ngàn
Bài viết liên quan
Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ – Thượng thần cai quản sông nước
Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ hay Mẫu Thoải là Xích Lân Long Nữ con vua cha Bát Hải, cai quản miền Thoải Phủ sông nước giúp dân thuận buồm xuôi gió
Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên và những hiểu lầm với Mẫu Liễu Hạnh
Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên là hàng vị có nhiều điều tranh cãi với con nhang đệ tử. Liệu Ngài có phải Mẫu Liễu Hạnh hay là 1 ai khác