Mê tín dị đoan là gì? Những hậu quả và quy định của Pháp Luật
Tại Việt Nam hiện nay, người dân có quyền được tự do tôn giáo tín ngưỡng theo Pháp luật, chính vì đó mà các tôn giáo và tín ngưỡng có thể phát triển rất mạnh mẽ như Đạo Phật, Công Giáo, Đạo Giáo, Nho Giáo, Đạo Mẫu… Tuy nhiên song song với việc những Tôn giáo và Tín ngưỡng phát triển một cách đúng đắn để lan tỏa những giáo lý và ý nghĩa tốt đẹp thì còn không ít những hành động lợi dụng để tuyên truyền mê tín dị đoan gây ra nhiều hậu quả. Vậy mê tín dị đoan là gì?
Trong bài viết này, trang thông tin Tứ Phủ sẽ cung cấp cho bạn những thông tin và góc nhìn đúng đắn về hành vi Mê Tín Dị Đoan là gì, từ khái niệm, quy định của Pháp Luật tới cách thực hành tín ngưỡng đúng đắn. Mời quý vị đón đọc để có cho mình những kiến thức và nhận định riêng của bản thân.
Hiểu đúng Mê tín dị đoan là gì?
Mê tín dị đoan là hành động lợi dụng lòng tin tín ngưỡng tôn giáo để thực hiện những hành vi gây ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe, tiền tài hoặc thậm chí là tính mạng con người. Những hành vi này cần phải được lên án và ngăn chặn để tránh gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
Ví dụ như: chữa covid bằng trứng gà và làm lễ cúng hay cuối năm 2023 vụ việc chùa BV lợi dụng lòng tin của Phật Tử để thu lợi từ việc chiêm bái xá lợi tóc Đức Phật giả…
Hiện nay, chưa có văn bản chính thức nào định nghĩa rõ về mê tín dị đoan là gì, tất cả chỉ là những khái niệm được lưu truyền trong dân gian. Tuy nhiên, theo chúng tôi tham vấn từ Luật sư thì Pháp luật đã có một số văn bản ban hành về việc hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trong điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Nghị Định 103/2009/NĐ-CP. Theo đó:
Mê tín dị đoan làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm:
- Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép.
- Lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa.
- Các hình thức mê tín dị đoan khác.
Hay theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL cũng nêu rõ các hành vi bị cấm:
Hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá có nội dung mê tín dị đoan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác.
Theo hai quy định này của Pháp luật chúng ta có thể thấy rằng đâylà hành vi làm mê hoặc người khác, gây tác động xấu đến người khác và trái với tự nhiên xem bói, làm phù chú, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi…
Ảnh hưởng tới con người và xã hội
Mê tín đã và đang gây ra nhiều vấn đề nhức nhối trong xã hội. Hành vi này thường gây ra nhiều vấn đề tiêu cực cho xã hội. Cụ thể, tập tục cúng tế khiến người dân lãng phí tiền của, thời gian. Thậm chí, có trường hợp tin vào các lời Mê tín gây tổn hại tới tinh thần và thể xác.
Nghiêm trọng hơn, nhiều người khi ốm đau lại chọn cách đi tìm thầy cúng thay vì đi phòng khám, bệnh viện. Hậu quả là bệnh tình trở nặng do không được điều trị kịp thời. Điều đáng nói là họ làm vậy dù gia đình, bạn bè đã khuyên can.
Bên cạnh đó, lời bói toán về chuyện tình cảm hay các mối quan hệ cũng khiến con người mất đi kỹ năng suy nghĩ độc lập, gây tác động xấu tới nhận thức xã hội và tổn hại tới các mối quan hệ trong gia đình và xã hội.
Mê tín dị đoan có bị phạt không?
Theo các quy định của pháp luật thì các hành vi Mê tín gây tổn hại cho người khác bị cấm và sẽ bị Pháp luật nghiêm phạt. Tùy theo hậu quả gây ra, Tòa Án sẽ căn cứ để đưa ra phán quyết cuối cùng về mức phạt.
Các khung hình phạt áp dụng với hành vi Mê tín dị đoan có thể chia thành các loại sau:
- Phạt hành chính – Căn cứ Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hoạt động mê tín dị đoan sẽ bị phạt tiền chia thành các mức:
- 03 – 05 triệu đồng: Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội (điểm b khoản 4 Điều 14).
- 15 – 20 triệu đồng: Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan (điểm đ khoản 7 Điều 14).
- 30 – 40 triệu đồng: Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan (điểm c khoản 6 Điều 20).
- Chịu trách nhiệm hình sự – Căn cứ Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015, những người có hành vi Mê tín dị đoan gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự và xử phạt theo các mức sau:
- Phạt tiền từ 10 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm/phạt tù từ 06 tháng – 03 năm: Đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án mà chưa được xoá án tích nhưng lại vi phạm.
- Phạt tù từ 03 – 10 năm: Làm chết người/thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên/gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đừng để mắc vào cái bẫy của thầy lởm
Qua bài viết này, quý vị đã phần nào nhận thấy được Mê Tín Dị Đoan là gì và nhận thấy được mê tín đã và đang gây nên những hậu quả đau lòng cho cuộc sống. Thay vì dùng tiền cầu may mắn, người dân nên chăm lo sức khỏe, giáo dục của bản thân và những người xung quanh. Mọi người cần cởi mở và lắng nghe nhau hơn. Xã hội ngày nay cần phát triển trên cơ sở khoa học, đạo đức chứ không phải những thứ phi lý.
Do đó, mỗi người cần nâng cao ý thức cộng đồng, khuyến khích người xung quanh rèn luyện nhận thức, phát triển toàn diện để xây dựng cuộc sống tích cực hơn. Cùng chung tay xóa bỏ tệ nạn mê tín vì một xã hội văn minh và một môi trường tôn giáo tín ngưỡng trong sạch.