Vua cha Nhạc Phủ – Đệ nhất Phúc Thần Đức Tản Viên Sơn Thánh
Việt Nam ta biển bạc, rừng vàng. Nơi sơn lâm hùng vĩ ẩn mình trong mây mù giăng kín là nơi ngự trị của Đức Vua cha Nhạc Phủ – Tản Viên Sơn Thánh. Tên tuổi của ngài đã ghi sâu vào tâm thức người Việt Nam, trở thành Phúc Thần Vệ Quốc, một biểu tượng của sức mạnh phi thường, lòng yêu nước và sự chở che cho con cháu Lạc Hồng. Vậy ngoài những gì mà sách báo đã nói về Tản Viên Sơn Thánh thì còn những điều bí mật nào còn chưa được bật mí? Hãy cùng website Tứ Phủ tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Giới thiệu Vua cha Nhạc Phủ Tản Viên Sơn Thánh là ai
Nếu trước đây theo lưu truyền về Đạo Mẫu – tín ngưỡng Tam Phủ thì trời đất này gồm 3 miền (Tam Phủ) và đứng đầu là 3 vị vua cha: Vua cha Ngọc Hoàng cai quản Thiên Phủ, Vua cha Địa Phủ cai quản Địa Phủ và Vua Cha Bát Hải cai quản Thoải Phủ.
Mãi tới sau này, khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ phát triển thêm trở thành Tứ Phủ thì đã bổ sung thêm miền Nhạc Phủ và hình thành hệ thống Tứ Phủ Vạn Linh. Và khi thành lập thêm Nhạc Phủ, cần phải có một vị Vua cha đứng đầu. Đức Vua Cha Thiên Phủ xét tới công lao mà triệu gọi Đức Tản Viên Sơn Thánh lên ngự tọa, cai quản Nhạc Phủ. Từ đó mà hậu nhân mới biết tới:
Đức Vua Cha Nhạc Phủ là vị vua cha cai quản vùng Nhạc Phủ, xếp trong hàng vị Tứ Thánh Đế (Đức Vua Cha) địa vị xếp trên cả Tam Tòa Thánh Mẫu trong Tứ Phủ Vạn Linh. Ngài là Tản Viên Sơn Thánh, cha của Mẫu Thượng Ngàn (La Bình Công chúa), cai quản sơn lâm cây cỏ và muôn thú. Ngài đã nhiều lần góp công và hiển linh bảo vệ lãnh thổ nước ta.
Ngoài các truyền thuyết dân gian thì Ngọc phả tại đền Và kể về Vua Cha Nhạc Phủ có đoạn:
“Vua (Hùng)…gia phong cho Sơn Thánh làm Nhạc Phủ Kiên Thượng Đẳng…”.Ngọc phả lại có đoạn: “… Từ đó phụng mệnh Hoàng Đế thường cùng với Tứ phủ Công đồng ở trên hải đảo đi tuần xét muôn việc trong nhân gian”.
Như vậy đây là một bằng chứng xác thực để thấy rằng Vua Cha Nhạc Phủ trong tín ngưỡng Tử Phủ chính là Tản Viên Sơn Thánh.
Theo truyền thuyết dân gian được kể lại về Tản Viên Sơn Thánh (Vua cha Nhạc Phủ) hay còn được biết tới nhiều hơn với cái tên Sơn Tinh. Ngài xuất hiện vào thời vua Hùng Vương thứ 18 thì có 3 phiên bản được coi là phổ biến nhất như sau:
Vua cha Nhạc Phủ Tản Viên Sơn Thánh là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Sau khi chia con, ngài đi từ biển vào theo sông Hồng. Thấy núi Tản Viên cao đẹp, hùng vĩ, lại có người dân chất phác, hiền hậu nên ngài đã chọn nơi đây làm nơi sinh sống.
Tản Viên Sơn Thánh đi từ làng Bạch Phiên Tân đến núi Tản Viên, qua Uyên Đông, Nham Tuyền rồi lên núi Thạch Bàn, đầu non Vân Mộng. Trên đường đi, ngài để lại dấu chân. Sau này, người dân lập đền thờ tại những nơi có dấu chân của ngài.
- Tản Viên Sơn Thánh vốn dĩ là danh từ để gọi ba người anh em thần núi, hay còn được gọi là Tam Vị Đại Vương Quốc Chúa Thượng Đẳng Thần gồm Sơn Tinh, Cao Sơn và Quý Minh. Hiện ba đền Thượng, Trung, Hạ tại Ba Vì đang thờ phụng Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Và Đức Vua Cha Nhạc Phủ chính là vị Sơn Tinh đứng đầu.
Theo quan niệm dân gian ở các làng liên quan đến truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ) và kết hợp với ngọc phả đền Lăng Xương, thì Tản Viên Sơn Thánh vốn là một nhân vật lịch sử có thật tên là Nguyễn Tuấn.
Ông là con trai trưởng của Nguyễn Cao Hành và bà Đinh Thị Đen ở đạo Sơn Tây (nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Ông được bà Ma Thị Cao ở núi Ngọc Tản nhận làm con nuôi. Từ đó, ông trở thành người có phép thuật phi thường, văn võ song toàn, và cứu giúp nhân dân. Sau này, ông được Vua Hùng chọn gả con gái Mị Nương và phù tá vua đánh đuổi giặc ngoại xâm và trở thành vị thần núi Tản Viên.
Dù là dưới góc nhìn của quan niệm nào đi chăng nữa thì đều có một điểm chung đó là Đức Thánh Tản (Vua cha Nhạc Phủ) là một vị thánh anh linh ứng nghiệm vô cùng. Ngài ngự tọa tại núi Tản Viên (dãy núi Ba Vì ngày nay), đây được coi là một vùng đất linh thiêng của nước ta mà theo Lĩnh Nam chích quái có ghi chép:
“Linh khí không thể lường được, tương truyền rằng thần rất linh thiêng và ứng nghiệm.”
Công lao của vua cha Nhạc Phủ
Đức Vua Cha Nhạc Phủ Tản Viên Sơn Thánh được coi như một vị Phúc Thần, một vị Thần vệ quốc của dân tộc ta. Bởi gắn liền với hình ảnh của Ngài là những trận chiến lẫy lừng để bảo vệ con dân và lãnh thổ nước ta. Tiêu biểu như trận chiến với Thủy Tinh, lần hiển linh dọa cho Cao Biền sợ chạy…
Hiển hách nhất là lần Đức Vua Cha Nhạc Phủ cùng Vĩnh Công Vương (Đức Vua Cha Bát Hải) đánh đuổi giặc ngoại xâm liên minh bởi 4 nước ra khỏi bờ cõi Văn Lang. Lúc ấy Đức Thánh Tản là người cầm quân chặn đường tiến công trên bộ còn Vua Cha Bát Hải Động Đình thì dẫn theo tướng lĩnh chia làm 2 đường dẹp loạn trên các cửa biển.
Chỉ trong vỏn vẹn 3 ngày hai Ngài đã đánh tan quân xâm lược không còn manh giáp, trả lại sự bình yên cho dân tộc, đất nước lại một lần nữa được hưởng thái bình thịnh trị.
Trong khoảng thời gian bình yên ấy, Vua Cha Nhạc Phủ lại đi khắp miền rừng núi để dậy cho nhân dân cách làm ăn, kiếm kế sinh nhai:
- Ngài dạy dân Ba Vì biết làm ra lửa bằng ống giang già
- Dạy săn bắn với kế làm hầm gài tên căng lưới
- Dạy dân Quốc Oai biết gieo hạt trồng lúa, làm ruộng, mở hội
- Dạy dân ven sông Hồng biết làm lưới kéo vó
- Dạy dân chúng biết võ nghệ đánh giặc bảo vệ tổ quốc
- Dạy nhân dân biết dệt vải hát ca
Chính vì vậy mà hiện nay sẽ không khó bắt gặp ở rất nhiều địa phương còn chính thờ Tảm viên Sơn Thánh làm Thành Hoàng phụng thờ nhang khói. Và người ta còn lập ra rất nhiều ngôi đền thờ tại nơi mà Ngài đã đi qua, hàng năm tổ chức lễ hội để nhớ ơn tới việc Đức Thánh Tản đã nâng đỡ giúp cho nhân dân có cuộc sống ấm no hơn.
Đức vua Cha Nhạc Phủ Tản Viên Sơn Thánh còn được sắc phong rất nhiều tước vị như:
- Vua Trưng Vương (Trưng Trắc) sắc phong ngài là “Tản Viên Sơn Quốc Chúa Đại Vương Dực Bảo Trung Hưng Thượng đẳng thần.”
- Vua Trần Nhân Tông sắc phong ngài là “Hữu Thánh Hưng Quốc Hiển Ứng Vương”
- Vua Tự Đức phong ngài là “Thượng Đẳng Tối Linh Thần”
- Ngoài ra còn có 18 bản sắc phong của các đời Vua khác nhau đang lưu giữ tại Đền Và Ba Vì.
- Đức Tản Viên Sơn Thánh còn được xếp vào hàng vị Tứ Bất Tử của Việt Nam
Đền thờ Vua Cha Nhạc Phủ Tản Viên Sơn Thánh nằm ở đâu
Vì Tản Viên Sơn Thánh không chỉ biết tới với hàng vị là Vua Cha Nhạc Phủ trong hệ thống Đạo Mẫu Tứ Phủ mà còn là một vị thần linh danh tiếng trong dân gian Việt Nam từ xưa tới nay. Vì thế mà bạn sẽ có thể dễ dàng nghe tới một đền thờ nào đó có thờ Tản Viên Sơn Thánh. Nổi bật nhất vẫn là các đền thờ chính như:
- Hệ thống đền thờ tại núi Tản thuộc địa phận núi Ba Vì, Hà Nội. Đền thờ Ba Vì Tản Viên được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia ngày 21/2/2008, Khu di tích lịch sử Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm ba ngôi đền: đền Thượng, đền Trung, và đền Hạ.
- Nam Cung là đền Ao Vua
- Đông Cung là đền Và ở Sơn Tây. Đền Và thuộc thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, là một trong bốn cung thờ Thần Núi Ba Vì – Tản Viên Sơn Thánh, Đệ Nhất Phúc Thần trong Tứ bất tử của tâm thức dân gian Việt.
Theo truyền thuyết, đền Và là Hành cung của Tản Viên Sơn Thánh mỗi khi ngài đi tuần thủ, du ngoạn. Đền được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1964.
- Bắc Cung là đền Thỉnh ở Vĩnh Phúc. Theo truyền thuyết dân gian, với công lao to lớn của Tản viên Sơn Thánh trong quá trình bảo vệ và ổn định đất nước Văn Lang thời vua Hùng Duệ Vương.
Hàng năm lễ hội đền Thỉnh được diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch. Ngoài phần lễ còn có nhiều trò chơi dân gian như: đấu vật, thi cờ tướng, chọi gà, kéo co, đánh đu.
- Đền Lăng Sương ở Phú Thọ. Theo ghi chép thì đây là ngôi đền đầu tiên thờ Đức Thánh Tản được xây dựng vào năm 1011. Theo ghi chép còn được lưu giữ tại đền thì đền được dựng trên nền đất cũ nơi mà Đức Thánh Tản (Vua cha Nhạc Phủ) được sinh ra và lớn lên.
Hàng năm vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch, người dân sẽ tổ chức lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (tiệc vua cha nhạc phủ) tại di tích lịch sử – văn hóa quốc gia tại đền Hạ (Ba Vì) nhằm tưởng nhớ công ơn của Đức Vua Cha Nhạc Phủ. Lễ hội bao gồm phần lễ, rước kiệu từ đền Lăng Sương trở về Đền Hạ. Và phần Hội với nhiều nghệ thuật trình diễn cũng như các hoạt động thể thao văn hóa.
Lời kết
Vua Cha Nhạc Phủ – Tản Viên Sơn Thánh không chỉ là vị thần linh trong tín ngưỡng tâm linh, mà còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hình ảnh của ngài sẽ mãi mãi trường tồn trong tâm thức người Việt, là nguồn cảm hứng cho những thế hệ mai sau.
Cúi xin Vua Cha Nhạc Phủ ban phước lành cho chúng con, cho con Lạc cháu Hồng luôn được bình an, hạnh phúc, ấm no. Xin cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Xin Vua Cha luôn che chở, bảo vệ cho dân tộc ta, cho đất nước Việt Nam luôn trường tồn và phát triển.
Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những ai đã theo dõi bài viết này. Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Vua Cha Nhạc Phủ – Tản Viên Sơn Thánh, về lịch sử, truyền thuyết và giá trị văn hóa, tâm linh của đền thờ Tản Viên.
Nguồn tham khảo:
- NXB Khai Trí 1960, Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam Chích Quái Việt-Hán, Mục XV – Truyện núi Tản Viên tr.77
- NXB Văn Hoá Thông Tin 2009, Nguyễn Thông, Việt Sử Thông Giám Cương Mục Khảo Lược, tr.16
- Lĩnh Nam Chích Quái – Trần Thế Pháp
Bài viết liên quan
Vua Cha Bát Hải Động Đình – Vị Thần minh anh dũng, uy nghi
Vua cha Bát Hải Động Đình là con của Lạc Long Quân, hạ phàm phù trợ vua Hùng đánh giặc, giúp đời, được nhân dân thờ tại đền Đồng Bằng
Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế – Vị Thần Minh Vô Song
Vua Cha Ngọc Hoàng là vị thần linh vô song đứng đầu trong Tứ Phủ Thánh Đế, là cha của Thánh Mẫu Liễu hạnh, cai quản Tứ Phủ Đạo Mẫu