Skip to content

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Đất nước và Dân tộc Việt Nam đã có hàng ngàn năm phát triển hào hùng, từ thời các vua Hùng dựng nước, tới những cuộc kháng chiến đầy máu lửa chống giặc ngoại xâm. Đi suốt chiều dài lịch sử ấy, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ là một minh chứng lịch sử, một tín ngưỡng dân gian hàng ngàn năm vẫn đứng vững và phát triển không ngừng và lad di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn.

Đôi nét về Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ

Nhắc tới Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ, không một ai có thể nói chắc được đã hình thành từ khi nào. Lịch sử và nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu còn nhiều bí ẩn, nhưng theo các nhà nghiên cứu, nó có thể bắt nguồn từ thời nguyên thủy xa xưa, gắn liền với văn hóa lúa nước và xã hội mẫu hệ. Ban đầu, người Việt thờ cúng các vị thần linh tự nhiên, sau đó dần hình thành tục thờ Mẫu.

Việc tôn thờ các vị Thánh Mẫu, từ lâu được cho là những vị thần có quyền năng sinh sôi, che chở cho con người. Dần dần theo thời gian, trải qua nhiều cuộc chuyển biến văn hóa, Tín ngưỡng thờ Mẫu chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo khác như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian, tạo nên một hệ thống tín ngưỡng độc đáo với nhiều nghi lễ và hoạt động phong phú.

Tín ngưỡng Thờ Mẫu là nét văn hóa đẹp và độc đáo của Việt Nam
Tín ngưỡng Thờ Mẫu là nét văn hóa đẹp và độc đáo của Việt Nam
Năm 2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy những đóng góp to lớn của tín ngưỡng này trong việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Đại diện Unesco trao giấy chứng nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ là di sản văn hóa Phi Vật Thể
Đại diện Unesco trao giấy chứng nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ là di sản văn hóa Phi Vật Thể

Bài Viết: Đạo Mẫu - Tín Ngưỡng Thờ Mẫu

Những giá trị của Tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ Mẫu hay trong dân gian hiện nay còn gọi bằng cái tên Đạo Mẫu đã dễ dàng đi sâu vào đời sống dân gian, cắm rễ sâu và không ngừng phát triển trong xã hội Việt Nam. Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ hiện đã được trải rộng trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

  • Về văn hóa: Thể hiện lòng tôn kính với các vị Mẫu Thần che chở cho con người. Phản ánh quan niệm về vũ trụ, cõi âm dương, luân hồi chuyển kiếp. Gắn kết cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
  • Về tâm linh: Mang đến cho con người niềm tin vào cuộc sống, giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách. Tạo sự bình an trong tâm hồn, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp.

Tín ngưỡng thờ Mẫu dưới nghi lễ Hầu Đồng là một nét văn hóa đẹp, thể hiện những ước nguyện. Họ khát khao được giải thoát khỏi những gông cùm định kiến xã hội hay đơn giản mong được bình an, gia đạo thuận hòa, cầu tài phát lộc.

Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ còn thể hiện lòng tôn kính biết ơn với các bậc tổ tiên anh hùng, đề cao lòng tự tôn dân tộc và gắn kết đồng bào Việt Nam. Đây là niềm tin tín ngưỡng thiêng liêng, là sức mạnh và là điểm dựa tinh thần vững chãi cho những người con của Đạo Mẫu.

Hệ thống Tứ Phủ là những phủ nào

Theo các nhà nghiên cứu, lịch sử phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu ngày trước thờ Tam Phủ Thánh Mẫu, sau thời gian dài phát triển lên thành Tứ phủ đứng đầu bở 4 vị Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Địa tiên được ghi chép lại trong Việt Điện U Linh Tập.

Đạo Mẫu Tứ Phủ có hệ thống thần linh vô cùng phong phú
Đạo Mẫu Tứ Phủ có hệ thống thần linh vô cùng phong phú

Tứ Phủ (Tứ Phủ Công Đồng) hay Tứ Phủ Vạn Linh là một khái niệm trong Đạo Mẫu, ý chỉ 4 miền thiên địa trên thế gian này, 4 Phủ này gồm: Thiên Phủ (miền trời), Địa Phủ (miền đất), Thoải Phủ (miền sông nước) và Nhạc Phủ (miền rừng núi).

Mỗi Phủ có các vị Thánh Mẫu, Quan Lớn, Chầu Bà, Cô Cậu, Quan Hoàng, Tiên Cô… Hệ thống thần linh này thể hiện quan niệm về thế giới tâm linh của người Việt, với nhiều vị thần linh cai quản các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống.

Hệ thống thờ cúng trong Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ được phân chia theo cấp bậc sau:

1. Quan Thế Âm Bồ Tát.

2. Đức Vua Cha: Vua Cha Thiên Phủ, Vua Cha Thủy Phủ, Vua Cha Nhạc Phủ và Vua Cha Địa Phủ.

3. Các Vị Thánh Mẫu bao gồm Tứ phủ Thánh Mẫu: Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên, Mẫu Đệ Tam Thủy Cung, Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên.

4. Hội Đồng Quan Lớn gồm Ngũ Vị Tôn Quan và Lục Phủ Tôn Ông.

5. Quan Nam Tào – Bắc Đẩu.

6. Nhị Vị Quỳnh Quế Công Chúa.

7. Thập Vị Chầu Bà.

8. Thập Vị Ông Hoàng.

9. Bát Bộ Sơn Trang.

10. Tứ Phủ Thánh Cô.

11. Thập Nhị Cô Sơn Trang.

12. Tứ Phủ Thánh Cậu.

13. Hệ thống các vị Mẫu Thần như Mẫu Đầm Đa, Tứ Vị Vua Bà, Mẫu Thiên Y

14. Công Đồng Trần Triều, hệ thống nữ thần và nam thần…

15. Hạ Ban gồm các vị quan Ngũ Hổ, Xà Thần.

Lời kết

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Với giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh to lớn, tín ngưỡng này không chỉ là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn mà còn là điểm tựa tinh thần cho mỗi người con đất Việt.

Đạo Mẫu là một mảng màu độc đáo trong bức tranh văn hóa Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. Giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng này là trách nhiệm của mỗi thế hệ, để di sản văn hóa này mãi trường tồn cùng dân tộc.