Hệ thống thần linh Tứ Phủ Đạo Mẫu – Bạn có đang biết đúng?
Mục Lục
Là một người con dân tộc Việt Nam, sẽ có ít nhất một lần bạn đã nghe về tín ngưỡng thờ Mẫu (Đạo Mẫu). Đặc biệt trong thời đại mà mạng xã hội phát triển, đã có rất nhiều những con nhang đệ tử, cô đồng, cậu đồng đã phát tâm đưa Đạo Mẫu đến gần hơn tới mọi người thông qua các kênh truyền thông. Tuy nhiên, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ rất rộng lớn, để bước đầu tiếp cận và thực hành theo Đạo Mẫu bạn nên có kiến thức và hiểu biết về hệ thống thần linh Tứ Phủ.
Trong bài viết này, website Tứ Phủ sẽ tổng lại các thông tin về các vị thần linh được thờ cúng trong hệ thống Tứ Phủ, Đạo Mẫu. Thông tin được tổng hợp các kiến thức Đạo Mẫu từ lời truyền miệng trong dân gian và các tài liệu ghi chép còn lưu truyền của các nhà khoa học như: Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Đào Thái Bình, Nguyễn Văn Huyên, Parmenties, Maspero, Durand, Simond….
Quá trình hình thành và phân hóa hệ thống thần linh Tứ Phủ
Lịch sử phát triển hệ thống thần linh Tứ Phủ
Ban đầu, Tín Ngưỡng Thờ Mẫu hay thường gọi là Đạo Mẫu đã được hình thành trong xã hội miền Bắc Việt Nam từ thời nguyên thủy xa xưa. Bắt đầu từ việc tôn thờ những vị nữ thần tự nhiên có quyền năng sinh sôi, che chở cho con người.
Cho tới thế kỷ 17-18, tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển thêm và hệ thống thành Tam Phủ rồi phát triển lên Tứ Phủ (Tên gọi là Tam Phủ Công Đồng và Tứ Phủ Vạn Linh), tôn Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Thần Chủ.
Trong suốt quá trình phát triển trong lịch sử, Tín ngưỡng thờ Mẫu đã có quá trình giao thoa và tiếp thu từ nhiều tôn giáo và tín ngưỡng trên thế giới như: Phật giáo, Đạo Giáo, Nho Giáo. Đạo Mẫu còn giao thoa với Tục thờ Mẫu của người Chăm, người Khmer… từ đó mà tạo nên nền tảng tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung và Nam Việt Nam.
Cũng vì thế mà các dạng thức thờ Mẫu tại các miền sẽ có đôi chút điểm khác biệt.
Sự phân hóa của Đạo Mẫu
Đạo Mẫu tại Việt Nam có thể chia theo tục thờ cúng của 3 vùng miền như sau::
- Thờ Mẫu ở Miền Bắc: là cái nôi của tín ngưỡng thờ Mẫu bắt đầu từ thờ các nữ thần. Tới thế kỷ 15, dân gian đã thần thánh hóa các vị Thánh Mẫu trong lịch sử với các danh xưng như: Quốc mẫu, Vương mẫu, Thánh Mẫu như hiện tượng thờ Mẫu Âu Cơ, Quốc Mẫu Tây Thiên,… Sau thế kỷ 15, hệ thống Tam – Tứ Phủ được hình thành và phát triển mạnh mẽ, từ đó mà xuất hiện thêm các cái tên quen thuộc bây giờ như: Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa, Cô Đôi Thượng Ngàn,… với các nghi thức một phần ảnh hưởng từ Đạo giáo
- Thờ Mẫu ở Miền Trung: Ngoài tục thờ thần linh Tam Phủ, Tứ Phủ thì tại miền Trung sẽ có thêm hệ thống các vị thần linh Nữ Thần và Mẫu Thần khác như: Tứ vị Thánh nương, Bà Ngũ Hành và hình thức thờ Thánh Mẫu như thờ Thiên Y A Na, Po Nagar, và tín ngưỡng thờ Bà Hỏa (Hỏa Tinh Thánh mẫu)
- Thờ Mẫu ở Miền Nam: So với miền Bắc thì tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Nam có phần đơn giản hơn, bở theo lịch sử thì Miền Nam Việt Nam là miền đất mới được ông cha ta khai phá và Đạo Mẫu cũng vì thế mà du nhập theo. Đạo Mẫu tại đay có sự giao thoa với các tín ngưỡng có sẵn ở bản địa chứ không hoàn toàn dung hòa. Những Nữ thần được thờ phụng ở Nam Bộ như Bà Ngũ Hành (Ngũ Hành nương nương), Tứ vị Thánh nương, Bà Thủy Long, Bà Chúa Động, Bà Tổ Cô, Bà Cố Hỷ,…và những Mẫu thần được thờ phụng như Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Bà Chúa Ngọc, Bà Thiên Hậu,…Bên cạnh đó, còn có các cô linh ứng ở một số vùng như Cô Năm Châu Đốc, Cô Hai Châu Đốc, Cô Hai Hiên (Sa Đéc),…
Cấp bậc Hệ thống thần linh Tứ Phủ Đạo Mẫu
Hệ thống Tứ Phủ là hình thức thờ cúng Mẫu thần được phát triển lên từ Tam Phủ gồm các miền: Trời, sông nước, rừng núi. Trong Tứ Phủ còn có thêm Địa Phủ. Các vị thần chủ yếu là các vị công thần khai quốc, anh hùng Việt Nam và bên cạnh đó còn có các vị thánh thần trong các dân tộc thiểu số như: Mường, Tày, Nùng, Dao,… Từ đó mà tạo nên một hệ thống thần linh tứ phủ phúc tạp.
Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu cho độc giả chi tiết về hệ thống thần linh Tứ Phủ từ danh hiệu tới hàng vị:
Xếp hạng | Hàng vị |
1 | Quan Thế Âm Bồ Tát |
2 | Tứ Phủ Thánh Đế (Đức Vua Cha) |
3 | Tam Tòa Thánh Mẫu (Tứ Phủ Thánh Mẫu) |
4 | Hội Đồng Quan Lớn |
5 | Tứ Phủ Chầu Bà |
6 | Tứ phủ Quan Hoàng |
7 | Tứ phủ Thánh Cô |
8 | Tứ phủ Thánh Cậu |
9 | Ngũ Hổ Xà Thần |
10 | Các vị được phối thờ cùng |
@tuphu.xyz Bạn đã biết hết về các hàng vị trong Đạo Mẫu Tứ Phủ #learnontiktok #daomauvietnam #tuphuvanlinh #dcgr #dngr ♬ original sound – Thông Tin Tứ Phủ
Quan Thế Âm Bồ Tát
Có một quan niệm sai lầm rằng Tứ Phủ Vạn Linh hoàn toàn không có liên hệ gì với Phật giáo. Thực tế, Đạo Phật lại có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng này nhờ vào khoảng thời gian dài giao thoa.
Bạn sẽ thường bắt gặp hình ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát (còn được gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát hay Quan Âm Bồ Tát), tượng Phật được thờ phụng long trọng trong các đền chùa thuộc Tứ Phủ. Nghi lễ khấn văn trong Đạo Mẫu cũng thỉnh mời sự hiện diện của Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngược lại, trong các ngôi chùa tại miền Bắc cũng có ban thờ Mẫu với quan niệm: Tiền Phật, hậu Mẫu. Cho thấy được vị trí quan trọng đứng đầu trong hệ thống thần linh Tứ Phủ.
Đức Vua Cha (Tứ Phủ Thánh Đế)
Đức vua cha (còn gọi là Tứ Phủ Thánh Đế) là những vị thần đứng đầu 4 vùng trời (Tứ Phủ) trong vũ trụ này. Các ngài là những vị thần có quyền năng tối linh. Tuy vậy nhưng các ngài lại không phải là những vị thần có vị trí đặt ban thờ cao nhất trong hệ thống thần linh, bởi theo quan niệm thờ tự trong các đền thờ Việt Nam thì vị trí đặt ban thờ cao nhất là dành cho Tam Tòa Thánh Mẫu. Còn các Đức Vua Cha sẽ có điện thờ riêng hoặc có ban thờ đặt riêng.
Tứ Phủ Thánh Đế bao gồm:
- Vua Cha Thiên Phủ: Ngọc Hoàng Thượng đế giữ địa vị cao nhất trong đạo Mẫu, có ban thờ riêng trong các đền và phủ thuộc tín ngưỡng thờ Mẫu. Tuy nhiên thực tế quan sát thì cũng có nhiều nơi không có ban thờ Ngọc Hoàng Thượng đế.
- Vua Cha Nhạc Phủ: Tản Viên Sơn Thánh chủ quản toàn bộ đất đai, rừng núi, cùng chư thần và chúng sanh sinh sống tại đó.
- Vua Cha Thoải Phủ: Động Đình Bát Hải Long Vương chủ quản toàn bộ ao hồ, sông, biển Thủy vực,… trên toàn cõi
- Vua Cha Địa Phủ: Minh Vương chủ quản toàn bộ Âm Tào Địa Phủ, Thập Diện Diêm Vương,…
Bên cạnh Đức Vua Cha Thiên Phủ thường có thêm:
- Quan Nam Tào
- Quan Bắc Đẩu
Đây là các vị thần trông coi giúp việc cho vua cha. Các ngài không xuất hiện trong nghi thức hầu đồng và cũng không có đền thờ riêng trong Đạo Mẫu. Tuy nhiên, các ngài được phối thờ tại nhiều đền điện thuộc hệ thống thần linh Tứ Phủ bên cạnh Đức Vua Cha Thiên Phủ.
Tứ Phủ Thánh Mẫu (Tam Tòa Thánh Mẫu)
Theo Tam Phủ công đồng thì gồm có Tam Tòa Thánh Mẫu nhưng khi phát triển lên tứ phủ thì Đạo Mẫu có 4 vị Thánh Mẫu (Theo Tứ Phủ Vạn Linh) hay Tam Tòa Thánh Mẫu (Theo Công Đồng Tam Phủ) là những vị thần linh có quyền năng tối cao, giữ vị trí cai quản 4 vùng thiên địa: Thiên Phủ (trời), Nhạc Phủ (rừng núi), Thoải Phủ (nước) và Địa Phủ (đất).
Các vị Thánh Mẫu giữ vị trí hàng đầu và được đặt ở hầu hết các đền thờ. Các ngài được đặt ở vị trí thờ tự cao nhất, tôn kính nhất trong cấm cung hoặc Hậu cung. Đi theo hầu các ngài sẽ là Tứ Phủ Thánh Cô.
Tứ Phủ Thánh Mẫu bao gồm:
- Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên (Thiên Phủ) – Tên gọi: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thiên Tiên, Mẫu Đệ Nhất. Danh hiệu: Thanh Vân Công Chúa – Thường gắn liền với trang phục màu Đỏ.
- Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên (Địa phủ) – Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông – Danh hiệu: Liễu Hạnh công chúa, có bản ghi chép là Đông Quang Công Chúa – Màu sắc: màu vàng hoặc đỏ.
- Mẫu Đệ Tam Thủy Cung (Thoải phủ) – Tên gọi: Mẫu Đệ Tam Thủy Tiên,Thủy cung Thánh Mẫu, Ngọc Hồ Thần Nữ – Danh hiệu: Xích Lân Công Chúa, Động Đình công chúa, Thủy Tiên Công Chúa – Màu sắc: màu trắng.
- Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên (Nhạc Phủ) – Tên gọi: Lâm Cung Thánh Mẫu, Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà chúa Sơn Trang, Mẫu Đông Cuông Danh hiệu: Sơn Lâm Công Chúa, Bạch Anh Công Chúa, La Bình Công Chúa – Màu sắc: màu xanh lục.
Hội Đồng Quan Lớn
Câu khấn “Năm dinh quan lớn, mười dinh các quan” đề cập đến một hội đồng thần quan có vai trò đặc biệt. Đó là tập hợp 10 vị tướng đã cùng vua Bát Hải Động Đình đánh bại quân xâm lược thời Hùng Vương thứ 18.
Tuy nhiên, trong hệ thống thần linh Tam Tứ Phủ, các vị tướng này được phân theo 2 nhóm: Ngũ Vị Tôn Quan và Lục Phủ Tôn Ông.
Theo thần tích, Ngũ Vị Tôn Quan là con của Đức Thượng Đế, cùng xuống giúp vua tổ tiêu diệt giặc cửa biển, trở thành 5 vị trong 10 tướng danh.
Còn Lục Phủ Tôn Ông, gồm 5 tướng còn lại, được xếp dưới Ngũ Vị trong hệ thống thờ phụng. Trong đó, Quan Điều Thất và Quan Triệu Tường thường được mời sau Ngũ Vị.
Ngũ Vị Tôn Quan
- Đệ Nhất Tôn Quan: quyền cai Thiên Phủ – Danh hiệu: Quan Lớn Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhất Tôn Ông, Đức Thánh Cả – Màu sắc đại diện: Màu đỏ
- Đệ Nhị Tôn Quan: quyền cai rừng núi Lâm Cung – Danh hiệu: Quan Thanh Tra Giám Sát, Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn – Màu sắc đại điện: màu xanh lá.
- Đệ Tam Tôn Quan: quản cai miền sông nước – Danh hiệu: Quan Lớn Đệ Tam – Màu sắc đại điện: màu trắng.
- Đệ Tứ Tôn Quan: quyền cai đất bằng – Danh hiệu: Quan Đệ Tứ Khâm Sai quyền cai Tứ Phủ – Màu sắc đại diện: màu vàng.
- Đệ Ngũ Tôn Quan: quản cai Sông Tranh – Danh hiệu Quan Lớn Tuần Tranh – Màu sắc đại diện: màu lam, xanh nhạt hoặc tím than.
Lục Phủ Tôn Ông
- Quan Lớn Đệ Lục – Màu sắc đại diện: màu đỏ.
- Quan Lớn Đệ Thất – Danh hiệu: Quan Điều Thất – Màu sắc đại diện: màu đỏ
- Quan Lớn Đệ Bát Đồng Bằng Sông Diêm – Màu sắc đại diện: màu vàng.
- Quan Lớn Đệ Thập Triệu Tường – Danh hiệu: Quan Hoàng Triệu – Màu sắc đại diện: màu vàng.
Tứ vị Thánh Chầu
Tứ Phủ Thánh Chầu hay Bộ Tứ khâm sai là bốn vị theo hầu bên cạnh Mẫu Liễu Hạnh. 4 vị đó là:
- Quỳnh Hoa công chúa
- Quế Hoa công chúa
- Thụy Hoa công chúa
- Mai Hoa công chúa
Trong số 4 vị thì có hai vị là Quỳnh Hoa và Quế Hoa là hầu cận bên cạnh Mẫu Liễu Hạnh, cùng được thở tại Phủ Vân Vương (vì đó mà còn được gọi là Tam Tòa Vân Hương Thánh Mẫu). cũng vì sự hiện diện của hai vị mà trong Hầu Đồng còn có tên gọi Tay Quỳnh – Tay Quế.
Lưu ý: 4 vị này không nằm trong Tứ Phủ Thánh Chầu và trong Hầu Đồng cũng không có giá hầu của 4 vị này.
Tứ Phủ Chầu Bà
Tứ Phủ Chầu Bà hay còn gọi là Thập Nhị vị Chầu Bà. Trong hệ thống thần linh Tứ Phủ, đứng hàng ngũ thứ ba ngay sau Ngũ Vị Tôn Quan, còn gọi là Thập Nhị Tiên Nương.
Đây là tập hợp 12 vị nữ thần, mỗi vị đảm trách một vùng lãnh địa, từ rừng núi đến biển sông. Chúng được xem là hiện thân của các vị Mẫu, phục vụ trực tiếp các vị Thánh Mẫu.
Do thường ngự giá về Đồng, các vị Chầu Bà rất quen thuộc đối với tín đồ gần xa. Người ta biết rõ về thần tích, nơi thờ cúng riêng của từng vị. Sau đây là danh sách 12 vị Chầu Bà:
- Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên (Thiên phủ) – Màu sắc đại diện: màu đỏ
- Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Ngôi Kiều Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu xanh
- Chầu Đệ Tam Thoải Phủ (Thoải Phủ) – Danh hiệu: Thủy Điện Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu trắng.
- Chầu Đệ Tứ Khâm Sai (Địa phủ) – Danh hiệu: Chiêu Dung Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu vàng.
- Chầu Năm Suối Lân (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Suối Lân Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu xanh lam hoặc xanh thiên thanh.
- Chầu Lục Cung Nương (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Lục Cung Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu lam.
- Chầu Bảy Kim Giao (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Tân La Công Chúa. Màu sắc đại diện: màu tím hoặc xanh.
- Chầu Tám Bát Nàn (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Nữ Tướng Bát Nàn – Màu sắc đại diện: màu vàng.
- Chầu Chín Cửu Tỉnh – Màu sắc đại diện: màu đỏ (một số nơi là màu hồng)
- Chầu Mười Đồng Mỏ (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Nữ Tướng Đồng Mỏ Chi Lăng – Màu sắc đại diện: màu vàng.
- Chầu Bé Bắc Lệ (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Bắc Lệ Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu đen hoặc xanh chàm.
- Chầu Bà Bản Đền – Danh hiệu: Thủ Điện Công Chúa – Màu sắc đại diện: màu hồng, màu xanh hoặc màu trắng.
Tứ Phủ Quan Hoàng
Trong hệ thống Tứ Phủ, dưới hàng Thập Nhị Chầu Bà là Thập Vị Quan Hoàng, còn gọi là Tứ Phủ Quan Hoàng.
Các vị Quan Hoàng đều là con trai của vua cha Bát Hải Động Đình. Tuy nhiên, tại địa phương mỗi vị đều hiện thân thành một danh tướng có công giúp dân lập công.
Trong số 10 vị, Ba ông Quan Hoàng Bơ Thoải, Bảy và Mười thường ngự giá về Đồng. Do đó, ba vị này được nhân dân biết đến và tôn thờ nhiều hơn cả.
Cụ thể, Quan Hoàng Bơ Thoải hiện thân thành danh tướng Long Mã, Quan Hoàng Bảy là danh tướng Lý Thiên Bảo, Quan Hoàng Mười là danh tướng Ngô Xương Xí – những người có công dẹp giặc loạn, giữ gìn và mở mang bờ cõi, giúp nhân dân an cư.
Tứ Phủ Quan Hoàng bao gồm 10 vị sau:
- Quan Hoàng Cả (Thiên Phủ) – Màu sắc đại diện: màu đỏ.
- Quan Hoàng Đôi (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh lá.
- Quan Hoàng Bơ (Thoải Phủ) – Màu sắc đại diện: màu trắng.
- Quan Hoàng Tư (Địa Phủ) – Màu sắc đại diện: màu vàng.
- Quan Hoàng Năm – Màu sắc đại diện: màu xanh ngọc
- Quan Hoàng Lục – Màu sắc đại diện: màu đỏ, hoặc đen hoặc xanh.
- Quan Hoàng Bảy (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu lam hoặc tím chàm.
- Quan Hoàng Bát (Thoải Phủ) – Màu sắc đại diện: màu vàng
- Quan Hoàng Chín (Thiên Phủ) – Màu sắc đại diện: Ông Chín Cờn Môn – màu đen
- Quan Hoàng Mười (Địa Phủ) – Màu sắc đại diện: màu vàng
Tứ Phủ Thánh Cô
Trong hệ thống tín ngưỡng Thờ Mẫu, Tứ Phủ Thánh Cô là nhóm nữ thần hầu hạ, phục vụ trực tiếp các vị Thánh Mẫu và Chầu Bà. Người ta thường có lời khấn cầu các vị Thánh Cô để lễ thay mặt trước cửa Mẫu.
Việc khấn cầu sự hiện diện, lễ bái của Thánh Cô có ý nghĩa để chứng tỏ lòng thành kính của tín đồ trước Mẫu. Đây cũng là cách thể hiện sự tôn kính các vị hầu cận, phụ tá trực tiếp cho Mẫu.
Danh sách của các vị Thánh Cô như sau:
- Cô Đệ Nhất Thượng Thiên (Thiên Phủ) – Màu sắc đại diện: màu đỏ.
- Cô Đôi Thượng Ngàn (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh lá.
- Cô Bơ (Thoải Phủ) – Màu sắc đại diện: màu trắng.
- Cô Tư Tây Hồ (Địa Phủ) – Màu sắc đại diện: màu vàng
- Cô Năm Suối Lân (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh thiên thanh hoặc xanh lá.
- Cô Sáu Sơn Trang (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh lam hoặc tím chàm.
- Cô Bảy Kim Giao (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu tím hoặc chàm xanh.
- Cô Tám Đồi Chè (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh, có nơi là tím hoa cà.
- Cô Chín Sòng Sơn (Thiên Phủ) – Màu sắc đại diện: màu hồng.
- Cô Mười Mỏ Ba (Nhạc Phủ) hoặc Cô Mười Đồng Mỏ – Màu sắc đại diện: màu vàng
- Cô Bé Thượng Ngàn (Nhạc Phủ) với màu áo ngự về đồng họa tiết thổ cẩm
- Cô Bé Đông Cuông (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh
- Cô Bé Thoải Phủ (Thoải Phủ) – Màu sắc đại diện: màu trắng
Tứ Phủ Thánh Cậu
Tứ Phủ Thánh Cậu là nhóm các vị thiếu niên được cử làm hầu cận các Quan Hoàng.
Đặc biệt, có 4 vị Cậu thường xuyên về chấm linh ngự đồng, đó là: Cậu Hoàng Cả, Cậu Hoàng Đôi, Cậu Hoàng Bơ và Cậu Bé.
Tứ Phủ Thánh Cậu gồm 6 vị sau:
- Cậu Hoàng Cả (Thiên Phủ) – Màu sắc đại diện: màu đỏ
- Cậu Hoàng Đôi (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh lá
- Cậu Hoàng Bơ (Thoải Phủ) – Màu sắc đại diện: màu trắng.
- Cậu Hoàng Tư – Màu sắc đại diện: màu vàng
- Cậu Quận Đồi Ngang – Màu sắc đại diện: màu đỏ
- Cậu Bé Bản Đền (Nhạc Phủ) – Màu sắc đại diện: màu xanh.
Hạ Ban Ngũ Hổ Xà Thần
Hạ Ban gồm hai vị thần Quan Ngũ Hổ và Quan Xà Thần. Các vị này được đặt ban thờ ở dưới điện chính, phía dưới ban thờ Mẫu.
Quan Ngũ Hổ Xà Thần đôi khi cũng hạ giá về đồng nhưng thường chỉ được những thầy đồng giỏi, có căn thật nghiệm mới có thể hầu được.
Các vị Thánh được thờ cùng Hệ thống Tứ Phủ
Ngoài các vị thần linh Tứ Phủ được đề cập bên trên thì trong hệ thống Đạo Mẫu còn thờ rất nhiều vị Thánh, chúa. Các ngài cũng đều là những vị có xuất thân từ dân gian, có công lao lớn trong việc bảo vệ, xây dựng đất nước, kinh bang tế thế. Từ đó mà được nhân dân biết ơn, thờ phụng.
Đây là những vị Mẫu Thần được nhân dân tôn kính và thờ phụng:
- Mẫu Đầm Đa hay còn gọi Quốc Mẫu Âu Cơ, được xem là vị Mẫu đầu tiên của người Việt.
- Tứ Vị Thánh Nương, gồm 4 vị Mẫu Thần: Mẫu Bồng Lai, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Cẩm Sơn, Mẫu Nữ Oa.
- Thiên Y A Na hay còn gọi Bà Chúa Ngọc, nguồn gốc từ nữ thần của người Chăm là Po Nagar, được nhân dân đặc biệt kính trọng.
- Quốc Mẫu Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, danh xưng là Nguyên Phi Ỷ Lan, là hóa thân của vị Hậu cung nhà Hậu Lê.
Thần Linh trong Tòa Sơn Lâm Sơn Trang
Bát Bộ Sơn Trang
Bát Bộ Sơn Trang bao gồm 8 vị tướng đầu tiên của Mẫu Thượng Ngàn. Con số 8 tượng trưng cho 8 phương châu đối của thiên địa.
Chúa Sơn Trang là vị tướng đứng đầu, ngự giữa 8 phương, đại diện cho vị thế trung tâm của Mẫu.
Theo truyền thuyết, các vị Sơn Trang là bậc tướng tài giúp vua Hùng đầu tiên An Dương Vương giữ nước. Sau này chúng cũng hiển linh hộ quốc cho Hai Bà Trưng và các vương triều Việt Nam khác.
Bát Bộ Sơn Trang được xem là lực lượng vũ trang đầu tiên của dân tộc, luôn sẵn sàng bảo vệ quê hương, giữ gìn an ninh trật tự theo sự phân công của Mẫu Thượng Ngàn.
Thập Nhị Tiên Cô Sơn Trang
Thập Nhị Tiên Cô Sơn Trang là một nhóm gồm 12 vị tiên cô đi theo hầu bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn. Được coi là 12 người con gái xuất sắc, thông tuệ của trời đất, được cử tới trần gian để phụ giúp các vị Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Mỗi vị Tiên Cô được phân công quản lý một khu vực hoặc lĩnh vực công việc cụ thể.
12 Cô Sơn Trang thường được mô tả là 12 cô gái xinh đẹp, thanh tao nhưng đầy nghị lực và trách nhiệm. Các tiên cô có thể giáng trần để giúp đỡ mọi người khi có nguy nan hoạn nạn. Thập Nhị Tiên Cô là những vị nữ thần quan trọng, thể hiện bản chất uyển chuyển, tận tụy phục vụ của nữ giới trong hệ thống tín ngưỡng Mẫu Việt.
Thập Nhị Tiên Cô Sơn Trang bao gồm:
- Cô Cả Núi Dùm
- Cô Đôi Bắc Lệ
- Cô Bơ Thượng Ngàn
- Cô Tư Ỷ La
- Cô Năm Đồng Tiền
- Cô Sáu Đồi Ngang
- Cô Bảy Tuyên Quang
- Cô Tám Thượng Ngàn
- Cô Chín Thượng Ngàn
- Cô Mười Suối Ngang
- Cô Mười Một Đồng Nhân
- Cô Mười Hai Thượng Ngàn
Các vị Chúa Bà và Nữ Thần
- Chúa Bà Thác Bờ Hòa Bình: trang phục Màu trắng.
- Chúa Bà Cà Phê: trang phục Màu đen, một số nơi màu xanh hoặc vàng.
- Chúa Bà Ba Nàng: trang phục Màu chàm.
- Chúa Bà Tộc Mọi: trang phục Màu đen hoặc chàm.
- Chúa Bà Ngũ Phương: trang phục Thường màu trắng.
- Chúa Bà Thiên Thiên Uy Linh Công Chúa: trang phục Màu xanh.
- Chúa Bà Ngũ Hành: trang phục 5 màu xanh, đỏ, vàng, trắng, đen.
- Chúa Bà Thừa Thiên Công Chúa.
- Bà Chúa Kho: trang phục Màu đỏ.
- Lẫm Sơn Công Chúa Khâm Sai (Bà lớn Tuần): trang phục Màu đỏ.
- Công Chúa Ngọc Hân, Lộc Hoa Công Chúa, Bà Chúa Vực, Công Chúa Lân Ngọc.
Cô bé bản Đền, Bản Cảnh
Cô Bé Bản Đền Bản Cảnh không phải là tiên cô chính thống của Tứ Phủ mà mang tính địa phương, phụ thuộc vào từng ngôi đền.
Danh xưng của cô sẽ lấy theo tên đền, ví dụ:
- Cô Nhất Vân Đình: Tiên cô bản địa Ứng Hòa, Hà Nội.
- Cô Cả Bắc Ninh: Màu áo tứ thân nâu.
- Cô Đôi Cam Đường: Màu áo xanh.
Ngoài ra còn có Cô Bé Sapa, Minh Lương, Thạch Bàn, Chí Mìu, Chín Tư – Lục Cung, Cây Xanh, Tân An, Xương Rồng – Xương Long, Cấm Sơn, Bắc Nga, Mỏ Than, Đen, Đèo Kẻng, Nguyệt Hồ, Đồng Đăng…
Hệ thống Nam Thần
Hệ thống Nam thần gồm các vị có thần tích mang nhiều yếu tố truyền tải ước mong, sức mạnh của con người để bảo vệ quê hương, đất nước:
- Thần Bạch Hạc: Tượng trưng cho sự thanh cao, lý tưởng.
- Thần Độc Cước: Biểu tượng cho lòng dũng cảm.
- Linh Lang Đại Vương: Đại diện cho sức mạnh, ý chí chiến thắng thiên tai.
- Thần Long Đỗ: Hóa thân của loài rồng – biểu tượng quyền uy, sức mạnh.
- Huyền Thiên Trấn Vũ: Bảo vệ đất nước, đem lại bình yên cho dân.
- Hỏa Thần, Thần Phổ Tế và Nam Hải: Liên kết con người với thiên nhiên.
- Ông Bảy Đá Thiên: Chống chọi thiên tai khắc phục hậu quả.
Công Đồng Trần Triều
Tín ngưỡng thờ Công Đồng Trần Triều là tín ngưỡng dân gian thờ các vị anh hùng có công giúp nhà Trần đánh thắng quân Nguyên-Mông.
Đứng đầu là Đức Thánh Trần hay Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Các vị thánh khác gồm:
- Đức Đại Vương Trần Triều – Danh hiệu: Đức Thánh Trần, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – Màu đại diện: màu đỏ
- Vương Phụ – An Sinh Vương Trần Liễu.
- Vương Mẫu – Thuận Thiên Hoàng Hậu và Thiên Đạo Quốc Mẫu
- Phu nhân – Thiên Thành Công Chúa/ Nguyên Từ Quốc Mẫu
- Tứ Vị Vương Tử – con trai Đức Thánh Trần – Màu đại diện: màu đỏ – gồm các vị thánh:
- Đức Thánh Cả
- Đức Thánh Phó
- Đức Thánh Tam
- Đức Thánh Tứ
- Nhị Vị Vương Cô
- Vương Cô Đệ Nhất – Màu đại diện:màu đỏ
- Vương Cô Đệ Nhị – Màu đại diện: màu vàng hoặc xanh lá
- Lục Tướng Trần Triều – Màu sắc đại diện: màu đỏ
- Phạm Ngũ Lão
- Yết Kiêu
- Dã Tượng
- Nghĩa Xuyên tướng quân
- Hùng Thắng tướng quân
- Huyền Quang tướng quân
- Đức Ông Tả Hữu
- Vương Tôn
- Cô Bé Cửa Suốt – Màu sắc đại diện: màu trắng
- Cậu Bé Cửa Đông – Màu sắc đại diện: màu vàng hoặc trắng
- Ngũ Hổ Đại Tướng: gần tương tự hạ ban trong hệ thống thần linh Tứ Phủ.
Lời kết
Trên đây là sơ lược về hệ thống các vị thần linh phổ biến trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Hệ thống Tứ Phủ với nhiều nhân vật truyền thuyết, lịch sử được lập thành thần, thể hiện sự gắn kết nhuần nhuyễn giữa con người và thiên nhiên.
Bên cạnh đó, việc phối thờ các vị thánh như Trần Hưng Đạo, Cô Đôi Thượng Ngàn… hay các vị thần khác đã mở rộng và đa dạng hóa hệ thống tín ngưỡng, thể hiện tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa riêng của người Việt.
Tứ Phủ cùng các vị thần, thánh được thần linh hoá đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, tôn giáo và đời sống tâm linh của cộng đồng. Dẫn dắt những người có căn đồng số lính tu tập để lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới nhân loại.