Nghe danh Lục Phủ Tôn Ông – Liệu bạn đã biết những điều này?
Là một con nhang đệ tử của Đạo Mẫu hoặc có sự quan tâm và tìm hiểu về tín ngưỡng Thờ Mẫu Việt Nam thì chắc hẳn bạn đã đôi lần nghe về tôn danh “Lục Phủ Tôn Ông”. Nhưng liệu bạn đã biết hết các thông tin về Lục Phủ Tôn Ông? Lục Phủ Tôn Ông là ai? Các ngài có tài phép và hiển linh làm gì?
Hãy cùng website Tứ Phủ chúng tôi tìm hiểu các thông tin về Ngũ Vị Tôn Quan qua bài viết này. Chúng tôi sẽ giới thiệu về danh tính, nguồn gốc và chức danh của từng vị để mong rằng có thể đem lại cho bạn những kiến thức Đạo Mẫu hữu ích nhất. Giúp trợ duyên cho bạn trong con đường thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu. Bắt đầu thôi nào!
Giới thiệu sơ lược về Lục Phủ Tôn Ông
Cùng với Ngũ Vị Tôn Quan thì Lục Phủ Tôn Ông đề nằm trong hàng vị Hội Đồng Quan Lớn của Hệ thống Thần Linh Tứ Phủ. Trong các nghi lễ của Đạo Mẫu thì sau khi tấu thỉnh Ngũ Vị Tôn Quan, các con nhang đệ tử sẽ tấu thỉnh tới Lục Phủ Tôn Ông, điều này cho thấy các ngài có địa vị tối linh trong Tứ Phủ.
Để hiểu đúng hơn về Lục Phủ Tôn Ông thì chúng ta cần tìm về với các sự tích lưu truyền trong dân gian. Theo đó thì:
Lục Phủ Tôn Ông hay Lục Phủ Tôn Quan, hội đồng Thống Phủ Tôn Ông là các vị quan lớn xếp sau Ngũ Vị Tôn Quan trong hàng vị Hội Đồng Quan Lớn. Các ngài đều là con của Vua cha Bát Hải Động Đình.
Nếu như Ngũ Vị Tôn Quan là các vị cai quản trực tiếp các miền Thiên, Địa, Thủy và Nhạc Phủ thì các quan trong Lục Phủ Tôn Ông làm nhiệm vụ giúp việc cho tứ phủ Vua cha chứ không quản lí trực tiếp các vùng. Các ngài cũng không trực tiếp về ngự đồng.
Lục Phủ Tôn Ông là ai?
Lục Phủ Tôn Ông bao gồm: Quan đệ Lục, Quan điều thất, Quan điều bát, Quan Hoàng Triệu và Quan đệ thập Bắc Quốc, sau giá 5 vị Quan lớn chúng ta thường thấy có thỉnh thêm Quan Điều thất và Quan Hoàng Triệu.
Quan Lớn Đệ Lục Bố Cái Đại Vương
Quan Đệ Lục là vị quan thứ 6 trong số mười dinh quan lớn đã có công vùng Vua Cha Bát Hải Động Đình đánh giặc ngoại xâm, phụ trách công việc cho vua Địa phủ.
Vì chiến tranh tàn phá nên các tài liệu về di tích và thần tích về Quan Lớn Đệ Lục hiện nay không còn nữa, những câu chuyện về ngài hiện chỉ là những truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian. Một trong số đó lưu truyền rằng:
- Ngài tên thật là Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương), Xuất thân từ dòng dõi quý tộc ở Đường Lâm, Sơn Tây.
- Ngài sinh ngày 25 tháng 11, xuất thân cao quý, dung nghi tươi sáng, đặc biệt khí phách hơn người.
- Quan Lớn Đệ Lục là thủ lĩnh cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại sự cai trị của Nhà Đường, đánh đuổi giặc phương Bắc.
- Ngài ngự áo đai mạng màu đen chỉ khai quang và ngự tửu, phụ trách công việc cho vua Địa phủ.
Quan Lớn Điều Thất
Quan lớn Điều Thất còn gọi là Quan Điều Thất Đào Tiên, là con trai thứ bảy của đức Vua Cha Bát Hải Động Đình Vĩnh Công Đại Vương.
Ngài là vị văn quan, được giao nhiệm vụ lưu giữ sổ sách, quản lý kho tàng ở Thủy Cung, trông coi nội điện của Vua Cha. Khi xưa, Ngài theo đức Vua Cha phù trợ Hùng Vương đánh dẹp giặc. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, Ngài đã hóa thân lên trời.
Quan Điều Thất không giáng trần nhưng Ngài vẫn thường hiển linh phù giúp dân nước nên nhân dân lập đền thờ, các triều đại có sắc phong, Đền Ngài là đền Công Đồng (hay còn gọi là đền Quan Điều Thất) ở Thái Bình gần đền Đức Vua Cha Bát Hải.
Ngài ngự đồng mặc áo đai mạng đỏ, tấu hương khai quang và phất cờ.
Quan Lớn Đệ Bát
Quan lớn Đệ Bát hay có nơi gọi là Quan lớn Điều Bát là vị quan thứ ba trong Lục Phủ Tôn Ông, ngài được giao coi sóc nội phủ của Vua Cha Nhạc phủ.
Hiện thân của Ngài là danh tướng Thạch Duồng (Duông) thời Nguyễn. Sinh ra ở Khơ Me Trà Vinh, trở thành tướng lãnh dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Thuở trẻ, Ngài phục vụ trong phủ Chúa, sau được phong họ Chúa, tên là Nguyễn Văn Tồn, cùng Nguyễn Ánh bình định đất nước. Khi lên ngôi, vua Nguyễn trao trọng trách cho Ngài làm Thủy quân, trấn giữ hai vùng Trà Vinh, Mân Thít. Năm 1819, Ngài được phong Thống Chế Điều Bát.
Ngài ít khi giáng ngự đồng và gần như các con nhang đệ tử không được biết đến.
Quan lớn Triệu Tường
Quan lớn Triệu Tường hay Quan Hoàng Triệu Tường, Hoàng Triệu có tên húy là Nguyễn Hoàng, sinh năm Bính Dần tại làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cha Ngài là Nguyễn Kim có công lập Lê Trang Tông mở đầu cho nhà Lê Trung Hưng.
Lúc triều đình rối ren, anh trai bị hãm hại, thấy tình hình vậy cùng với tài trí nhìn nhận, Ngài mới nói với Trịnh Kiểm xin Vua Lê cho Ngài vào trấn thủ vùng Thuận Hóa. Vua đồng ý, về Thuận hóa Ngài chiêu binh mộ sĩ, vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, giảm thuế giảm sưu, dân chúng ai cũng mến phục. Vua Lê phong cho làm Thái Úy Đoan Quốc công, Ngài còn giúp nhà Lê đánh đuổi nhà Mạc lên tận Cao Bằng. Ngài và các thế hệ con cháu của mình đã liên tục mở rộng bờ cõi về phương Nam.
Ngày mùng 3 tháng 6 năm 1613 Ngài mất. Ngài chính là nhân tố đầu tiên khởi thủy cho Vương triều nhà Nguyễn sau này. Các vua Nguyễn suy tôn là Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế.
Đền thờ Ngài được lập ở nơi ngài đã từng đóng hành dinh của mình đó là đền Triệu Tường (Đền Quan Triệu) ở Tống Sơn, Thanh Hóa, núi Triệu Tường. Quan lớn Triệu Tường ngự đồng mặc áo đai mạng màu vàng, tấu hương, khai quang rồi múa cờ.
Quan lớn Bắc Quốc
Quan lớn Bắc Quốc tương truyền là con trai thứ 8 của Vua cha Bát Hải Động Đinh, đầu thai làm người Trung Quốc, họ Tống, sinh vào thời cuối nhà Minh đầu nhà Thanh.
Khi nhà Thanh chiếm Trung Nguyên, người dân tộc Hán bị đàn áp mạnh mẽ. Vì thế mà người nhà họ Tống phải di cư sang Việt Nam và định cư ở biên giới Lào Cai. Tại đây, ông giúp đỡ dân chúng mở mang mua bán, dạy cách trồng trọt thêm các loại hoa màu.
Khi hóa thần, ông thường hiển linh phù hộ nhân dân. Khi ngự đồng, ông mặc áo trường bào nhà Thanh, buộc tóc kiểu Tàu, múa quạt, ngâm thơ bằng tiếng Quảng Đông.
Ở một số nơi, Quan lớn Bắc Quốc còn được xếp vào hàng Quan Hoàng, danh xưng là Ông Hoàng Bắc Quốc hay Ông Hoàng Bát Quốc, đứng hàng thứ tám trong Thập Vị Quan Hoàng.
Lời kết
Trên đây là những thông tin về Lục Phủ Tôn Ông – 6 vị quan trong hàng vị Hội Đồng quan lớn của Đạo Mẫu Việt Nam. Mỗi vị Tôn Ông đều có sự tích lịch sử riêng, gắn liền với di sản văn hóa tín ngưỡng dân gian. Từ việc quản lý hành chính cho đến việc phù trì nhân dân, đánh giặc ngoại xâm, kinh bang tế thế.
Bài viết giúp cung cấp thêm những thông tin bổ ích về bức tranh đa dạng của Đạo Mẫu tại Việt Nam. Hy vọng qua đây đã giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vai trò và ý nghĩa của Lục Phủ Tôn Ông trong tín ngưỡng Thờ Mẫu truyền thống của dân tộc ta.