Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh hành thiện, phạt ác
Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hay còn gọi là Liễu Hạnh Công Chúa, là một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam và là vị đứng đầu Tam Tòa Thánh Mẫu trong hệ thống Tứ Phủ của Đạo Mẫu. Bà được người dân tôn thờ và tin tưởng bởi sự tích về một vị tiên nữ giáng trần, con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế, vì thương xót nhân dân lầm than mà tuân lệnh vua cha giáng trần cứu nhân độ thế. Bài viết này của trang thông tin Tứ Phủ sẽ kể lại cho bạn đọc sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh chu du thiên hạ, hành thiện giúp đời.
Sự tích Mẫu Liễu Hạnh hành thiện ở lần giáng trần lần thứ nhất
Trong sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh 3 lần Giáng Trần, lần thứ nhất giáng trần Thánh Mẫu Liễu Hạnh mang tên Phạm Tiên Nga, sinh ra tại làng Quất Lâm, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ngày nay. Sau khi báo hiếu cha mẹ, vẹn tròn đạo làm con, Phạm Tiên Nga bắt đầu chu du tứ phương để hành thiện giúp đời.
Sự tích ghi chép lại những việc làm cao cả của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Bà đã vận động nhân dân cùng nhau đắp đê ngăn lũ Đại Hà từ núi Tiên Sơn tới Tịch Nhi (nay là quãng đường từ Phủ Dầy tới Phủ Quảng Cung). Bên cạnh đó, bà còn cho xây dựng 15 cây cầu đá, khơi thông kênh ngòi để dẫn nước tưới tiêu, khai khẩn đất ven sông, phát triển nông nghiệp. Bà trợ cấp tiền bạc cho người nghèo, chữa bệnh cho dân, giúp đỡ trẻ em nhà nghèo có điều kiện học hành.
Về mặt tâm linh, Thánh Mẫu Liễu Hạnh còn cất công xây dựng nhiều ngôi chùa, tiêu biểu như: Chùa Kim Thoa, chùa Sơn Trường, chùa Long Sơn, chùa Thiện Thành, chùa Đồn Xá. Những công trình này thể hiện lòng thành kính với Phật pháp và mong muốn mang lại an lạc cho chúng sinh.
Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh hiển linh phạt ác ở Đèo Ngang
Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một kho tàng truyền thuyết dân gian phong phú, đa dạng, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Trong đó, việc hiển linh phạt ác đèo Ngang giữa Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Hoàng tử dưới thời vua Lê Thái Tổ (1385 – 1433) là một câu chuyện kỳ bí, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Tiên nữ giáng trần Mẫu Liễu Hạnh hóa phép thành cô gái bán quán ở chân đèo Ngang với nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành. Vẻ đẹp của bà đã thu hút được nhiều nam nhân trong vùng, và cô tình truyền tới tai Hoàng tử, biết được dưới chân Đèo Ngang có một người thôn nữ xinh đẹp tuyệt trần khiến cho Hoàng tử sinh lòng tà ý và tới giờ trò xấu xa. Thánh Mẫu đã dùng phép thuật trừng phạt Hoàng tử, khiến y trở nên ngẩn ngơ, điên dại.
Nhà vua lo lắng, tìm thầy thuốc khắp nơi chữa trị cho Hoàng tử nhưng không khỏi. Cuối cùng, nhà vua phải nhờ đến sự giúp đỡ của tám vị Kim Cương thuộc Đạo Hạnh mới có thể bắt Thánh Mẫu về kinh đô để hỏi tội.
Trước mặt nhà vua, Thánh Mẫu đã vạch trần hành vi xấu xa của Hoàng tử. Nhà vua đành phải thừa nhận sai lầm, cảm tạ Thánh Mẫu đã trừng phạt Hoàng tử, xin lỗi Thánh Mẫu trước mặt thiên hạ và cho bà được tự do.
Sự kiện này cho thấy uy quyền và sự trừng phạt công bằng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đối với những kẻ có ý đồ xấu xa. Đây cũng là bài học răn đe người xấu, giúp họ có thể bỏ ác theo thiện.
Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh hai lần gặp Phùng Khắc Khoan
Tương truyền, Phùng Khắc Khoan đã gặp gỡ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hay còn gọi là Liễu Hạnh công chúa, hai lần trong đời:
- Lần đầu tiên diễn ra tại chùa Thiên Minh (Lạng Sơn) khi ông đi sứ trở về.
- Lần thứ hai là tại Hồ Tây (Hà Nội) khi ông cùng hai người bạn họ Ngô và họ Lý đi chơi thuyền.
Tại Hồ Tây, Phùng Khắc Khoan và Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã xướng họa thơ với nhau. Bài thơ này sau được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ghi chép lại trong tác phẩm “Vân Cát thần nữ” thuộc tập Truyền kỳ tân phả. Theo nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân, bài thơ có tên là Tây Hồ quan ngư (Xem cá Hồ Tây) và được dịch sang tiếng Việt bởi Phan Kế Bính với nhan đề Cảnh Hồ Tây.
Lần gặp đầu tiên với Mẫu Liễu Hạnh
Sách Nam Hải Dị Nhân của Phan Kế Bính kể lại rằng Thánh Mẫu Liễu Hạnh từng vân du đến miền xứ Lạng. Một lần, khi Phùng Khắc Khoan đi sứ từ Trung Quốc trở về, ông đã gặp một cô gái xinh đẹp đang ngồi đàn hát dưới ba cây thông trước sân chùa.
Ông bèn lên tiếng ghẹo và để lại sự tích về 4 câu đối tuyệt thế:
- Phùng Khắc Khoang: 三木森庭,坐著好兮女子 – Tam mộc sâm đình, tọa trước hảo hề nữ tử. (1)
- Mẫu Liễu Hạnh: 重山出路走來使者吏人 – Trùng sơn xuất lộ, tẩu lai sứ giả lại nhân. (2)
- Phùng Khắc Khoang ra đối tiếp: 山人凴一几,莫非仙女臨凡 – Sơn nhân bàng nhất kỷ, mạc phi tiên nữ lâm phàm. (3)
- Mẫu Liễu Hạnh đáp lại: 文子帶長巾必是學生視帳 – Văn tử đới trường cân, tất thị học sinh thị trướng. (4)
Để giải thích về 4 câu đối này, đây là cách chơi chữ của chữ Hán, giải thích như sau:
- Câu đối đầu tiên (1) của Phùng Khắc Khoan có nghĩa là: Trước 3 cây lớn ở sân đình có một cô gái đẹp đang ngồi.
- Cụm từ “tam mộc sâm” 三木森 ý muốn nói ba chữ mộc (木 – cây) hợp lại sẽ thành chữ sâm (森 – cây cối rậm rạp)
- Cụm từ “hảo nữ tử ” (好女子) là cách chơi chữ: hợp giữa chữ nữ – 女 với chữ tử – 子 (con) sẽ thành chữ hảo 好 (tốt, đẹp, hay).
- Câu đối lại Của Thánh Mẫu (2) có nghĩa: Trên đường ra khỏi núi non trùng điệp, có người quan lại đi sứ.
- Cụm từ “trùng sơn xuất ” 重山出 “ ý chỉ hai chữ sơn – 山 (núi) chồng lên nhau sẽ thành chữ xuất 出 (nghĩa là ra; đi ra)
- Cụm từ “使吏人” nghĩa là Sứ Lại Nhân, chỉ chữ lại 吏 (làm việc quan) hợp với chữ nhân 人 (người) thành chữ sứ 使 (người được vua hay chính phủ phái đi làm sứ giả).
- Câu Đối thứ hai của Phùng Khắc Khoang (3) có nghĩa: Cô sơn nữ ngồi ở ghế, phải chăng là tiên nữ giáng trần?
- Cái hay ở đây là cách chơi chữ: chữ sơn 山 và chữ nhân 亻ghép lại thành chữ tiên 仙
- Chữ Nhất (一) hợp với chữ Kỷ (几) sẽ thành chứ Phàm (凡)
- Câu Đối lại của Mẫu Liễu Hạnh (4) có nghĩa là: Ông nhà văn chít khăn dài, chính thị học sinh nhòm trướng. Câu đáp không những lịch sự, dí dỏm mà chơi chữ cũng hết sức tinh vi bởi:
- Chữ văn 文 và chữ tử 子 ghép lại thành chữ học 斈 (= 學).
- Dưới chữ đới 帯 có bộ cân 巾. Chữ trường 長 và chữ cân ghép lại thành chữ trướng 帳.
Sau khi nghe xong câu đói, Phùng Khắc Khoan giật mình bàng hoàng vì chính mình là một vị quan triều đình đi sứ lại không thể đối lại một nữ tử nơi thâm sơn cùng cốc, vì cảm phục tài năng của nàng mà ông bèn chắp tay cúi đầu hành lễ. Nhưng bất ngờ khi ngẩng đầu lên lại thấy nàng thiếu nữ ấy lại biết mất tự bao giờ. Chỉ còn thấy trên thân gỗ khắc lại 4 chữ “Mão khẩu công chúa” (卯口公主) và kế bên là tấm biển cũng đề 4 chữ “Băng Mã Di Tẩu” (冫馬已走). Đây cũng là cách ghép chữ:
- Cây gỗ là bộ mộc. Mộc 木 thêm chữ mão 卯 là chữ liễu 柳. Mộc 木 thêm chữ khẩu 口 là chữ hạnh 杏. Ý chỉ rằng người con gái vừa rồi chính là Liễu Hạnh công chúa.
- Bộ băng 冫 đi với chữ mã 馬, chính là họ Phùng 馮 của ông. Chữ dĩ 已 nằm cạnh chữ tẩu 走, chính là chữ khởi 起. Có lẽ Liễu Hạnh công chúa dặn Phùng Khắc Khoan phải khởi công sửa lại ngôi chùa này.
Sau khi đọc được 8 chữ đó, Phùng Khắc Khoan liền lập tức phân phó người khỏi công xây sử lại ngôi chùa. Sau này mọi người thường biết tới với cái tên Đền Mẫu Đồng Đăng.
Lần gặp thứ 2 với Thánh Mẫu Liễu Hạnh
Nói tới sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh lần gặp gỡ, Phùng Khắc Khoan sau khi về kinh đô rủ theo hai người bạn thơ là Cử Nhân Ngô Tường Sinh và Tú Tài Lý Hạ cùng ffi thưởng ngoạn Tây Hồ. Ba người bước vào một quán nhỏ đơn sơ nhưng cảnh vật rất thơ mông, trên biển đề 4 chữ: “Tây Hồ Phong Nguyệt”. Ngay lúc bước vào quán liền nhìn thấy một bài thơ tứ tuyệt được đề trên tường, nét mực còn tươi và nét chữ đẹp tựa rồng bay phượng múa:
“Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt,
Thời chính nhân bàng lập thổ khuê,
Khách hữu tam tinh câu nguyệt đối,
Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề.”
Bài thơ dịch nghĩa đơn giản là:
“Cửa quán là đây trăng sáng soi,
Bên mành ai đứng đợi chờ ai,
Khách đến ba người thừa đội nguyệt,
Một cây huệ mọc giữa hai ngài.”
Cả bài thơ được viết theo lối chơi chữ, tựu chung nghĩa là: “Điếm môn nhàn. Thời chính giai. Khách hữu tâm. Huệ nhiên lai” (Quán đương vắng. Thời tiết đẹp. Khách có lòng. Mời vào chơi).
Ngay sau đó ba người còn được chủ quán mời rướu và đưa ra thêm một câu thơ muốn 3 người họ viết tiếp thành một bài hoàn chỉnh:
Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên (Tây Hồ riêng chiếm một bầu trời)
Sau một hồi vừa uống rượu, vừa làm thơ. Lúc gần viết xong bài thì sau chướng vang lên một âm thanh trong trẻo đọc ra một câu thơ:
Đắc nguyệt ưng tri ngã thị tiên (Trăng tròn soi một bóng tiên thôi)
Ba người vì quá cảm phục mà xin người hầu gái được phép gặp chủ nhân. Nhưng người hầu gái lại khước từ, một mực thưa: Liễu chủ nhân (Thánh Mẫu Liễu Hạnh) của thiếp có việc bận nên xin được cáo lỗi. Cuối cùng ba người chỉ đành ra về trong nuối tiếc.
Mấy ngày sau ba người lại hẹn nhau ra quán cũ nhưng tới nơi thì quán đã chẳng còn, chỉ để lại trên thân cây bên cạnh một bài thơ:
Vân tác ý thường phong tác xa,
Tiên du Đâu Suất mộ yên hà,
Thế nhân dục thức ngô danh tính,
Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh Hoa.
Dịch nghĩa bài thơ:
Lấy mây làm xiêm áo, lấy gió làm xe
Sáng chơi Đâu Suất, chiều du mây khói
Người đời ai muốn biết họ tên ta
Thiên tiên Ngọc Quỳnh Hoa
Tới lúc đó Phùng Khắc Khoan mới ngẩn ngơ cả người, nhớ lại vị tiên nữ Liễu Hạnh ngày trước đã gặp trên đường đi sứ và kể lại cho 2 người bạn. Cả ba người mới biết Tiên nữ Ngọc Quỳnh Hoa chính là tiên nữ Liệu Hạnh.
Sau này, Phùng Khắc Khoan đã cho người dựng nên Phủ Tây Hồ trên nền cũ của quán Tây Hồ Phong Nguyệt để thờ Chúa Liễu Hạnh (tiên nữ Ngọc Quỳnh Hoa).
Tới hiện nay, những dấu tích về 2 lần gặp gỡ giữa Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Phùng Khắc Khoan vẫn còn được nhân dân lưu giữ lại ở Đền Mẫu Đồng Đăng (Long Nga Linh Từ) (nơi Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh lần đầu) và Phủ Tây Hồ (lần gặp thứ hai).
Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh quy y Phật Tổ
Sau ba lần sự tích Mẫu Liễu Hạnh giáng trần trở về Thiên Phủ, do còn đau đáu trông về chốn nhân gian mang tâm nguyện cứu dân, giúp đời nên Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã xin phép Vua Cha được trở lại cõi trần. Hiểu lòng con gái nên Ngọc Hoàng Thượng Đế đã phê chuẩn và sai hai người tiên nữ thân cận là Quỳnh Hoa và Quế Hoa cùng hạ phàm với Liễu Hạnh công chúa.
Lần này bà không hạ sinh thành phàm nhân mà trực tiếp giáng trần xuống Phố Cát, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây Thánh Mẫu hiển linh và cứu giúp dân lành, trừng trị ác nhân. Vì thế mà được nhân dân chung lòng xây dựng đền điện để thờ phụng bà.
Việc Thánh Mẫu hiển linh truyền tới tai Vua Lê Chúa Trịnh, hai vị vua chúa thiển cận coi bà là một tai họa và bèn mời nhiều vị thuật sĩ đứng đầu là Tiền Quân Thánh (một vị tướng trên trời bị phạm lỗi mà đày xuống nhân gian) tiến tới Phố Cát để vây bắt Thánh Mẫu.
Thánh Mẫu Liễu Hạnh biết mình không chống lại được bèn lệnh cho hai nàng Quỳnh Hoa và Quế Hoa bỏ chạy, còn một mình hóa phép biến thành đứa trẻ, sau lại biến thành kim long bay lượn trên trời. Nhưng sau cùng bị Tiền Quân Thánh ngồi trên voi chín ngà, tung lưới sắt và niệm thần chú bắt lại.
Trong lúc Thánh Mẫu bị bắt và hiện lại hình người thì Phật Tổ hiển linh và giải cứu cho Ngài. Ngay lúc nhìn thấy Phật Tổ, Tiền Quân Thánh đã sững sờ và thay vì tiếp tục vây bắt thì ông sai quân lính đem tới cho Thánh Mẫu một bộ cà sa vì biết Thánh Mẫu đã có duyên đi theo Phật Pháp. Sau khi nhận cà sa, Thánh Mẫu Liễu hạnh liền thoắt biến lên mây cùng với Phật Tổ.
Tương truyền sau này Thánh Mẫu Liễu Hạnh theo Phật Tổ tu hành và đắc đạo, lấy hiệu là Mã Hoàng Bồ Tát.
Lời kết
Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một kho tàng truyền thuyết dân gian phong phú, đa dạng, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Trong đó, câu chuyện về sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh đi khắp nơi hành thiện giúp đời là một trong những sự tích được nhiều người biết đến nhất.
Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh đi khắp nơi hành thiện giúp đời đã thể hiện nhiều giá trị văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Thánh Mẫu Liễu Hạnh là biểu tượng của tài sắc vẹn toàn, tâm hồn cao đẹp, luôn mong muốn giúp đỡ người khác. Sự tích này cũng thể hiện niềm tin vào cái thiện, lòng nhân ái và mong muốn hướng tới cuộc sống tốt đẹp của người Việt Nam.
Nguồn tham khảo:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Li%E1%BB%85u_H%E1%BA%A1nh_C%C3%B4ng_ch%C3%BAa
- Văn bản và sự tích lưu truyền tại Phủ Tây Hồ
- Truyện Vân Cát Thần nữ – Đoàn Thị Điểm