Tứ Phủ Chầu Bà là những ai? Những điều bạn cần biết
Bài viết sẽ đưa bạn vào một thế giới tâm linh đầy màu sắc, nơi mà bạn có thể chạm tới được những kiến thức như: Tứ Phủ Chầu Bà là ai? Tứ Phủ Chầu bà gồm những ai? Đền thờ các Thánh Chầu ở đâu? Nghi lễ hầu đồng các Chầu Bà có gì đặc biệt? Từ đó truyền tải những giá trị thiêng liêng mà Đạo Mẫu (Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ) đem lại. Tất cả sẽ được hé mở ra trong bài viết này của trang thông tin Tứ Phủ.
Bài viết không chỉ mang đến cho bạn kiến thức về Tứ Phủ Chầu Bà, mà còn là hành trình khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh sâu sắc. Từng câu chữ ẩn chứa niềm tôn kính, biết ơn đối với các vị Thánh Chầu, đồng thời khơi gợi niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Tứ Phủ Chầu Bà là hàng vị nào?
Trong hệ thống thần linh Tứ Phủ thì Tứ Phủ Chầu Bà có địa vị rất cao. Hàng vị đứng sau các Đức Vua Cha, Tam Tòa Thánh Mẫu và Hội Đồng Quan Lớn (gồm Ngũ vị Tôn Quan và Lục Phủ Tôn Ông). Phía dưới Thập Nhị Vị Chầu Bà còn có Tứ Phủ Thánh Hoàng, Tứ Phủ Thánh Cô, Tứ Phủ Thánh Cậu…
Tứ Phủ Chầu Bà là hóa thân của các Thánh Mẫu và các vị hầu cận bên cạnh các Thánh Mẫu. Tứ Phủ Chầu Bà có tổng cộng 12 vị, còn được biết đến với các tên gọi như: Tứ Phủ Thánh Chầu, 12 vị chầu bà, Tứ Phủ Thập Nhị Vị Anh Linh Công Chúa hay Thập Nhị Tiên Nương.
Trong hàng 12 vị Chầu Bà có thể là chính Thánh Mẫu hóa thân hoặc phụng lệnh Thánh Mẫu nắm giữ vị trí cai quản Tứ Phủ (thiên, địa, thoải và nhạc phủ), 4 phương 8 hướng, nhưng số lượng phân bổ không đồng đều ở Tứ Phủ. Bởi trong số Thập Nhị Vị Chầu Bà thì chỉ có 4 vị thuộc Thiên phủ, địa phủ và thoải phủ, còn lại 8 vị đều thuộc Nhạc Phủ.
Tứ Phủ Chầu Bà bao gồm các vị sau:
Tên gọi | Phủ cai quản |
Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên | Thiên Phủ |
Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn | Nhạc Phủ |
Chầu Đệ Tam Thoải Phủ | Thoải Phủ |
Chầu Đệ Tứ Khâm Sai | Địa Phủ |
Chầu Năm Suối Lân | Nhạc Phủ |
Chầu Lục Cung Nương | Nhạc Phủ |
Chầu Bảy Kim Giao | Nhạc Phủ |
Chầu Tám Bát Nàn | Nhạc Phủ hoặc Địa Phủ |
Chầu Chín Cửu Tỉnh | Thiên Phủ |
Chầu Mười Đồng Mỏ | Địa Phủ |
Chầu Bé Bắc Lệ | Nhạc Phủ |
Chầu Bà Bản Đền | Tùy vào bản đền |
Thông tin chi tiết Tứ Phủ Chầu Bà
Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên
Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên là vị Chầu Bà đứng đầu trong hàng vị Tứ Phủ Chầu Bà. Chầu Đệ Nhất có tên là Quế Hoa, tước phong là Đệ Nhất Hoa Nương Công Chúa. Cũng có bản lưu lại rằng Chầu Đệ Nhất là hóa thân của Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, là con gái của Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Hiện nay Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên chưa rõ có đền thờ chính ở đâu hay chưa. Nhưng do là vị thân cận bên cạnh Thánh Mẫu Thượng Thiên nên Chầu Đệ Nhất được dân chúng thờ chung tại các đền thờ Thánh Mẫu Thần Chủ. Vì đó mà Chầu Đệ Nhất được thờ tại:
- Các đền thở Mẫu Thượng Thiên
- Nội cung Phủ Dầy Nam Định.
- Đền Rồng, huyện Hà Trung, Thanh Hóa
- Lăng Chầu Bà Đệ Nhất, thôn Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội
Chầu Đệ Nhất được Thánh Mẫu giao cho giữ sổ Tam Tòa, thay mặt Thiên Phủ mà cầm cân nảy mực, định tội phục của người nhân gian, phù hộ độ trì, ban phước lành cho dân chúng. Ngoài ra còn có nơi lưu truyền rằng bà là bà chúa của nghề nuôi tằm dệt vải.
Trong nghi lễ Hầu Đồng, Chầu Bà Đệ Nhất thường không hay ngự giá về chấm đồng (đây là một thói quen cũng như là đặc điểm chung của hầu hết các vị thần linh trực thuộc hàng Thiên Phủ).
Các giá hầu Chầu Đệ Nhất thường chỉ có trong các tiệc khai đàn mở phủ. Lúc đó người ra trình đồng cần phải chuẩn bị tòa lễ Tứ Phủ Chầu Bà sơn trang để mời Chầu Đệ Nhất về chứng. Trên tòa đàn cần phải có hình của Thánh Chầu, đôi cô hầu cận cầm quạt, mười hai cô nàng và thuyền thoi…
Lúc về ngự đồng, Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên hay mặc trang phục màu đỏ bằng gấm, được thêu hình chim Phụng (chim Phượng), đầu choàng khăn hồng
Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn (hay Chầu Đệ Nhị, Chầu Bà Đệ Nhị), vốn là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị và đi theo hầu cận bên cạnh Mẫu. Theo truyền thuyết thì Chầu Đệ Nhị còn có tên thật là Lê Thị Kiểm, hiệu là Đông Quang Công Chúa. Bà là người dân tộc Tày, cai quản miền núi rừng đất Đông Cuông.
Trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà thì Chầu Đệ Nhị có quyền hành tối linh trong tòa Sơn Trang, cai quản 36 động Sơn Trang và 81 cửa ngàn, gồm các vùng rừng núi, hang động, cây cối và thú vật. Cho nên Chầu Bà Đệ Nhị có vị trí chỉ đứng sau Chầu Đệ Nhất.
Hiện Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn được thờ chính tại đền Đông Cuông, tỉnh Yên Bái.
Trong hàng ngũ 12 vị Chầu Bà thì Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn là vị hay về ngự đồng nhất. Trong suốt nhiều năm đi dự các lễ hầu đồng thì phải có 80 đến 90% các Đồng Thầy, Đồng Cô, Đồng Cậu thỉnh chầu về ngự giá để ban tài tiếp lộc Sơn Lâm, Sơn Trang.
Lúc về ngự đồng, Chầu Đệ Nhị thường mặc trang phục dân tộc màu xanh lá, đầu đội khăn buồm xanh, cổ đeo kiềng bạc hoa tai, thắt đai màu xanh và mang theo dao quay, túi vóc.
Chầu Đệ Tam Thoải Phủ
Chầu Đệ Tam Thoải Phủ (Thoải Cung) trương truyền chính là Lân Nữ Công Chúa (Thủy Tinh Tiên Nữ), nàng vốn là con của vua cha Bát Hải Động Đình chốn Long Cung. Nắm quyền cai quản sông nước, bến đò và làm nhiệm vụ khâm sai tra set, ban thuốc chữa bệnh và lộc tài cho dân chúng.
Ngoài ra hiện nay còn có lưu truyền các phiên bản khác nhau về sự tích Chầu Đệ Tam như:
- Bà là hóa thân của Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ và đi theo hầu cận Mẫu Thoải, thay Mẫu Thoải xử lý công vụ nơi Thoải Phủ.
- Còn có một tích ít được người lưu truyền hơn đó là Chầu Đệ Tam chính là con gái của Lạc Long Quân, có danh hiệu là Thủy Tinh Động Đình Ngọc Nữ Tam Giang Công Chúa.
Chầu Đệ Tam Thoải Cung thường được thờ tại các cửa sông cửa biển, nơi có đền thờ Mẫu Thoải. Trong đó, đền Hàn Sơn ( xã Hàn Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) là ngôi đền thờ Chầu Đệ Tam nổi tiếng nhất. Ngoài ra thì tại Phủ Dầy cũng có thờ Chầu Đệ Tam trong ban thờ Tứ phủ Chầu Bà.
Chầu Bà Đệ Tam thường rất ít khi về ngự đồng (là vị chầu bà ít về ngự đồng nhất). Bà thường chỉ về ngự giá tại các lễ hầu đồng được thực hiện tại các đền thờ Mẫu Thoải hoặc đền thời chính của Bà. Lúc về ngự đồng của các con nhang đệ tử, Chầu Đệ Tam thường mặc trang phục hầu đồng màu trắng, đầu đội khăn trắng, cầm quạt trắng khai quang rồi dùng mái chèo.
Chầu Đệ Tứ Khâm Sai
Chầu Đệ Tứ Khâm Sai (Chầu Đệ Tứ) thuộc Địa Phủ, là người hầu cận bên cạnh Thánh Mẫu Thượng Thiên (Thánh Mẫu Thần Chủ). Bà đứng hàng thứ tư trong Tứ Phủ Chầu Bà và là một trong Bộ Tứ Khâm Sai của Mẫu Liễu Hạnh với tên là Chầu Mai Hoa.
Chầu Bà Đệ Tứ được giao cho Khâm sai toàn cõi bốn phủ, giữ sổ Tứ Phủ, coi kho ngân xuyến, ra uy sát quỷ trừ tà, chiêu tài tiếp lộc gần xa cho đồng, quyền cai bản mệnh gia trung.
Hiện nay Chầu Đệ Tứ được nhân dân thờ tại:
- Đền Khâm Sai, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định, nằm trong quần thể Di tích Phủ Dầy.
- Đền Mẫu Bát Tràng.
- Đền Chầu Đệ Tứ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.
- Đền Chầu Đệ Tứ, xã Hà Trung, Thanh Hóa, gần đền Cô Bơ-Cô Tám.
- Đền thờ Chiêu Dung Công Chúa Lý Thị Ngọc Ba và con trai út Trình Tiến, thôn Đóng Long, xã Hoà Lâm, Hà Nội.
Chầu Đệ Tứ, vị Chầu huyền bí ít khi về ngự đồng. Người ta thường hầu giá Chầu Đệ Tứ tại đền thờ chính của Chầu hoặc tại Phủ Dầy đất Nam Định, nơi Chầu kề cận Mẫu Liễu Hạnh.
Khi xuất hiện trong nghi lễ hầu đồng, Chầu đội khăn vàng và khoác lên mình trang phục sắc vàng rực rỡ, tượng trưng cho Địa Phủ uy quyền. Chầu Đệ Tứ sẽ cầm quạt khai quang, múa kiếm và cờ lệnh khâm sai.
Chầu Năm Suối Lân
Chầu Năm Suối Lân (Chầu Đệ Ngũ) thuộc Nhạc Phủ, Chầu vốn là người dân tộc Nùng. Bà theo lệnh vua Lê Trung Hưng mà trấn giữ cửa rừng Suối Lân, cai quản một vùng Sông Hóa. Giúp cho dân chúng làm ăn, dạy dân đi rừng, làm nương, hiển linh giúp cho dân chúng thuần phục yêu tà, thú dữ.
Chầu Năm Suối Lân hiện nay được thờ tại Đền Suối Lân thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Chầu Bà Đệ Ngũ thường sẽ chỉ về Ngự Đồng vào các ngày tiệc vui, về ngự giá chứng đồng cho những người có nặng căn Chầu. Có một số trường hợp các Đồng Thầy cũng thỉnh bà về để chứng tòa Sơn Trang. Lúc ngự đồng, Chầu Đệ Ngũ mặc áo màu lam, khai quang múa mồi.
Chầu Lục Cung Nương
Chầu Lục Cung Nương (Chầu sáu lục cung, Chầu lục) còn được tôn xưng là Lục Cung Tiên Chúa. Chầu Lục Cung là khâm sai bên cạnh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chầu có quyền cai quản lục cung (sáu viện) của các tiên nữ trên thiên phủ. Ngoài ra Chầu Lục Cung Nương cũng và vị Chầu Bà danh tiếng nhất vì hay hiển linh chấm đồng, bắt đồng.
Chầu Lục Cung Nương hiện nay được thờ chính tại đền Lục Cung Linh Từ (hay Đền Lũng, Đền Chín Tư) thuộc xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Chầu Lục Cung thường hay về ngự chấm đồng, ban tài phát lộc, chứng đàn Sơn Trang và sang khăn cho tân đồng. Chầu Lục thường mặc trang phục màu lam hoặc tím, Khăn chít củ ấu hoặc hình hoa, vai đeo gùi, thắt lưng đeo dao quai.
Chầu Bảy Kim Giao
Chầu Bảy Kim Giao (Chầu Bảy hoặc Chầu Bảy Mỏ Bạch), trong đó ý nghĩa cái tên “Kim Giao” là chỉ tên địa danh đền Kim Giao thuộc đất Thái Nguyên chính thờ của Chầu Bảy nên được gọi là Chầu Bảy Kim Giao, nay gọi là đền Mỏ Bạch. là vị thánh chầu thứ bảy thuộc Nhạc Phủ trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà.
Tương truyền rằng Chầu Bảy chính là người đã dạy nhân dân vùng Thái Nguyên trồng chè tuyết (trà tuyết), làm cho Thái Nguyên trở thành vùng trồng chè (trà) nổi tiếng nhất Việt Nam cho tới tận ngày hôm nay. Ngoài ra, Chầu Bảy còn có chức vụ chính đó là cai quản muôn loài vùng núi rừng Mỏ Bạch.
Trong các vị Thánh Chầu thì Chầu Bảy hiếm khi ngự đồng nhất. Chầu chỉ về trong các vấn hầu tại chính đền Kim Giao. Chầu ngự đồng mặc trang phục màu tím hoặc xanh, khai quang rồi múa mồi.
Chầu Tám Bát Nàn
Theo thần tích kể lại thì Chầu Tám Bát Nàn (Chầu Bát, Chầu Tám Tiên La) chính là con gái của vua Hùng Vương, tên thật là Ngọc Hoa Công Chúa. Vì có công lao nên được sắc phong làm:
- Bát Nàn đại tướng quân, Trinh Thục công chúa.
- Y Đức Đoan Trang Trinh Thục công chúa.
- Dục Bảo Trung Hưng Linh Phù Chí Thần.
- Dục bảo Trung Hưng Linh Phù Thượng Đẳng Thần.
Hiện nay, Chầu Tám Bát Nàn được thờ chính tại 2 nơi, là đền Tiên La (Thái Bình) và đền Tân La (Hưng Yên).
Chầu Tám là vị thánh chầu thường hay giá ngự về đồng, nhất là trong những dịp tiệc vui hoặc khi về đền chầu.
Chầu Tám Bát Nàn Ngự đồng y áo màu vàng, khăn xếp màu vàng, quần màu đen thắt lưng màu tùy ý phù hợp với y áo. Chầu về đồng lễ Mẫu dâng nhang, đi quyền múa kiếm và cờ lệnh, làm việc quan, phán truyền, ban tài tiếp lộc.
Chầu Chín Cửu Tỉnh
Chầu Chín Cửu Tỉnh hay còn gọi là Chầu Cửu, Chầu Chín Giếng. Bà là vị thứ 9 trong Tứ Phủ Thánh Chầu. Chầu Cứu vốn thuộc Thiên Phủ, đi theo bên cạnh Mẫu Liễu Hạnh trong đền Sòng Sơn nên còn được gọi là Chầu Cửu Sòng Sơn. Chầu Cửu được giao cai quản chín giếng âm dương (Cửu Tỉnh) ở Thanh Hóa.
Chầu Cửu được thờ ở đến chính là Đền Chín Giếng, thị xã Bỉm Sơn, Thanh hóa. Ngoài ra Chầu còn được thờ tại các đền thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Vì là người Thiên Phủ nên Chầu Cửu cũng ít khi về ngự đồng. Các Thanh Đồng thường hay thỉnh Chầu về ngự đồng tại đền chính thờ Chầu Cửu hoặc các đền thờ Mẫu Đệ Nhất như Phủ Dầy hoặc Đền Sòng.
Lúc về ngự Đồng, Chầu Chín Giếng thường mặc trang phục đội khăn đỏ hoặc hồng. Có tục lệ trong dân gian cho rằng để có thể hầu giá Chầu Cửu thì Thanh Đồng phải hoàn thành xong 9 năm thử Đồng.
Chầu Mười Đồng Mỏ
Chầu Mười Đồng Mỏ cũng giống như Chầu Tám Bát Nàn, Bà là một vị nữ tướng anh linh hiển hách tại vùng đất Lạng Sơn. Là người dân tộc Tày, sinh thời dưới đời vua Lê Thái Tổi, vốn giỏi kiếm cung võ nghệ, Chầu Thập vì theo lời kêu gọi của nhà vua mà đứng ra chiêu binh lập quân ở vùng Đồng Mỏ để giúp sức triều đình đánh tan giặc ngoại xâm.
Hiện nay Chầu Mười Đồng Mỏ được thờ ở đền Chầu Mười Đồng Mỏ (Mỏ Ba Linh Từ) nằm ngay sát ải Chi Lăng tại thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn.
Tại nghi lễ Hầu Đồng, Chầu Mười thường hay loan giá ngự đồng tại các khánh tiệc ở đền thờ trên đất Lạng Sơn. Lúc về Đồng, Chầu Mười mặc trang phục màu Vàng, đầu đội khăn vàng quấn chữ Nhân, lưng đeo cờ lệnh. Làm lễ khai quang xong một tay múa kiếm, một tay múa cờ lệnh xông pha trận mạc.
Chầu Bé Bắc Lệ
Chầu Bé Bắc Lệ cũng là một vị Chầu sinh ra ở xứ Lạng. Bà vốn là người dân tộc Nùng tại Bắc Lệ, Lạng Sơn. Trong dân gian cho rằng Chầu Bé chính là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn, Chầu ra sức giúp vua Lê Thái Tổ chống lại giặc Minh suốt 10 năm. Sau này được vua sắc phong làm Lê Mại Đại Vương.
Chầu Bé được nhân dân lập đền thờ chính tại Đền Bắc Lệ, xã Hữu Lững, tỉnh Lạng Sơn.
Chầu Bé Bắc Lệ cùng với Chầu Đệ Nhị và Chầu Lục, là một trong ba vị Chầu Bà thuộc Nhạc Phủ hay về ngự đồng nhất. Chầu Bé Bắc Lệ thường mặc trang phục màu đen (hoặc xanh chàm), chân đi xà cạp, vai đeo gùi hoa, tay múa mồi.
Chầu Bà Bản Đền
Có lẽ đây chính là hàng vị có khác biệt nhất so với các vị Chầu Bà khác. Bởi hàng vị này không phải là một vị có danh tính cố định nào mà phụ thuộc vào bản đền, còn hay được gọi là Chầu Bé Bản Đền. Ví dụ như:
- Chầu Bé Đông Cuông ở Đền Đông Cuông, tỉnh Yên Bái.
- Chầu Bé Đồng Đăng ở Đền Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.
- Chầu Bé Tam Cờ ở Đền Tam Cờ, tỉnh Tuyên Quang.
- Chầu Bé Đền Ghềnh ở Đền Ghềnh, thành phố Hà Nội…
Các vị Chầu Bà Bản Đền này thường chỉ về ngự Đồng tại bản đền.
Lời kết
Tứ Phủ Chầu Bà – là một hàng vị quan trọng, ẩn chứa giá trị tinh thần to lớn, là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của Đạo Mẫu Tứ Phủ. Qua bài viết này của chúng tôi đã cung cấp cho bạn lời giải đáp cho câu hỏi: “Tứ Phủ Chầu bà gồm những ai?” Ẩn sau mỗi giá Chầu là một câu chuyện, một biểu tượng mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện ước vọng về cuộc sống tốt đẹp, bình an, sung túc.
Tứ Phủ Chầu Bà không chỉ là cầu nối giữa con người với thế giới tâm linh Đạo Mẫu, mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu. Việc gìn giữ và phát huy di sản này là trách nhiệm của mỗi người con đất Việt, để thế hệ mai sau có cơ hội tiếp cận, hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp mà ông cha ta đã dày công vun đắp.
Tài liệu tham khảo:
- Gs. Ts. Ngô Đức Thịnh, sách “Đạo Mẫu Việt Nam”, Quyển 1, 2019.
- Ts. Bùi Hùng Thắng, sách “Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ và thờ Thánh ở Việt Nam”, 2016.
Nguyễn
20/10/2024 @ 21:52
Chầu Mười Nhạc Phủ nhé