Tứ Phủ Ông Hoàng: Bí ẩn về Thập vị Quan Hoàng anh dũng tài hoa
Tứ Phủ Ông Hoàng – Một trong những hàng vị có tầm ảnh hưởng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ tại Việt Nam. Ẩn sau đó là cả một thế giới chứa đựng những kiến thức và hành trình sự tích tâm linh đầy huyền bí. Bạn muốn khám phá thế giới tâm linh huyền bí này? Chúng tôi sẽ bật mí những điều bí ẩn về Tứ Phủ Ông Hoàng (Thập vị Quan Hoàng), tìm hiểu những điều mà bạn cần phải biết về những vị thần linh tối cao này, Tứ Phủ Ông Hoàng Gồm Những Ai? Nguồn gốc? Địa vị của các Ngài Như thế nào? Hãy cùng Website Tứ Phủ tìm hiểu để có thể bước vào thế giới tâm linh đầy thiêng liêng của Đạo Mẫu Tứ Phủ.
Tứ Phủ Ông Hoàng là hàng vị nào
Tứ Phủ Ông Hoàng (Tứ Phủ Thánh Hoàng) là 10 vị Quan Hoàng trong hệ thống Đạo Mẫu chia ra cai quản Tứ Phủ Việt Nam. Thập Vị Quan Hoàng này đứng trước Tứ Phủ Thánh Cô và đứng sau Hội Đồng Quan Lớn (Ngũ Vị Tôn Quan và Lục Phủ Tôn Ông) và Tứ Phủ Chầu Bà.
Tứ Phủ Ông Hoàng là coi trai của Vua Cha Bát Hải Động Đình, danh xưng của các ngài là: Thập Vị Bát Hải Long Nhi Hoàng Tử Vương Gia (十位八海龍兒皇子王爺), có thể gọi ngắn gọn là Thập Vị Quan Hoàng hay Thập Vị Ông Hoàng.
Tứ Phủ Ông Hoàng (Thập Vị Quan Hoàng) gồm 10 vị:
Tên gọi | Cai quản |
Quan Hoàng Cả Thượng Thiên | Thiên Phủ, thờ tại Đền Hoàng Cả Hà Nam |
Quan Hoàng Đôi khâm sai | Nhạc Phủ, thờ tại Đền Ông Hoàng Triệu và đền Quán Triều |
Quan Hoàng Bơ Thoải | Thoải Phủ, thờ tại Đền Hàn Sơn Thanh Hóa |
Quan Hoàng Tư | Địa Phủ, thờ tại Đền Quan Hoàng Tư Hải Phòng |
Quan Hoàng Năm | Nhạc Phủ, chưa có đền thờ chính |
Quan Hoàng Lục | Nhạc Phủ, đền chính tại Đoỏng Lình Cao Bằng |
Quan Hoàng Bảy Bảo Hà | Nhạc Phủ, thờ tại Bảo Hà Lào Cai |
Quan Hoàng Bát | Nhạc Phủ hoặc Địa Phủ, thờ tại Đền Kỳ Sầm Cao bằng |
Quan Hoàng Chín Cờn Môn | Thiên Phủ, thờ tại Đền Cờn Nghệ An |
Quan Hoàng Mười Nghệ An | Địa Phủ, thờ tại Đền Quan Hoàng Mười Nghệ An |
Điều cần biết về Thập Vị Quan Hoàng (Tứ Phủ Ông Hoàng)
Thông thường những con nhang đệ tử sẽ chỉ nghe danh Thập Vị Quan Hoàng thông qua lời kể của các Đồng Thầy, hoặc do có Căn Đồng Số Lính dưới cửa Quan Hoàng mà mới chú tâm vào tìm hiểu sâu xa. Vì thế mà sau khi gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều Thanh Đồng, chúng tôi nhận ra được một điều rằng những kiến thức của khá nhiều người về Thập vị Quan Hoàng đều rất mơ hồ và đôi lúc còn thiếu chính xác.
Đừng lo lắng, chúng tôi đã tổng hợp lại những điều cơ bản nhất về Thập vị Quan Hoàng mà bạn cần phải nắm rõ trong nội dung dưới đây:
Quan Hoàng Cả Thượng Thiên
Quan Hoàng Cả Thượng Thiên còn gọi là Ông Hoàng Cả hay Ông Hoàng Quận. Ông là Đệ Nhất Hoàng Tử (vị hoàng tử đứng đầu) trong hàng ngũ Tứ Phủ Quan Hoàng. Truyền thuyết nói rằng, Ông có tên húy là Đức Đoàn Thượng, vốn là một vị tướng thời Lý, lập công lao lớn và được vua phong tước hiệu là Đông Hải Đại Vương.
Trong hệ thống Tứ Phủ, Quan Hoàng Cả được giao cho trọng trách quan trọng trông coi sổ sách của Thiên Đình. Dân gian kể lại rằng trong lúc thanh nhàn, Quan Hoàng Quận thường đi ngao du khắp thiên hạ. Lúc trên trời ngài cưỡi Xích Long, khi hạ giới thì cưỡi Tam Đầu Cửu Vĩ. Ngài đi khắp nơi phù hộ cho dân chúng làm ăn buôn bán hoặc những kẻ sĩ tử theo nghiệp học hành.
Đền thờ chính là Đền Hoàng Cả ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nhưng ngôi đền này hiện đã bị tàn phá. Quan Hoàng Cả ngày nay được dân chúng thờ chung với Chầu Đệ Tam Vũ Nương tại đền Trung Suối Mỡ, tỉnh Bắc Giang.
Quan Hoàng Cả cũng giống như các vị trên Thiên Phủ, ngài thường hiếm khi về ngự Đồng. Ngài thường mặc áo màu đỏ, thêu hình rồng, đầu đội khăn xếp.
Quan Hoàng Đôi
Quan Hoàng Đôi khâm Sai hay còn gọi là Ông Hoàng Đôi hay Quan Hoàng Triệu là vị hoàng tử thứ 2 trong Thập Vị Quan Hoàng.
Truyền thuyết kể lại rằng, Quan Hoàng vốn đầu thai xuống hạ giới trở thành tướng quân Nguyễn Hoàng, có công mở mang bờ cõi và là tổ tiên của triều Nguyễn tại Việt Nam. Lúc sinh thời, ông chọn đóng quân ở đất Triệu Tường tỉnh Thanh Hóa, chính vì vậy mà ông còn được gọi bằng cái tên Quan Hoàng Triệu.
Đền thờ chính của Quan Hoàng Đôi chính là đền Quan Hoàng Triệu Tường tại Thanh Hóa. Ngoài ra, Ông hoàng còn được thờ tại đền Quán Triều, Hà Nội.
Quan Hoàng Đôi thường ít về ngự Đồng. Quan Hoàng thường mặc áo màu xanh có thêu rồng giống Ông Hoàng Cả. Lúc về Đồng, ngài làm lễ khai quang và múa cờ lệnh.
Quan Hoàng Bơ Thoải
Quan Hoàng Bở Thoải hay còn được dân chúng gọi là Ông Bơ Thoải, Ông là vị Quan Hoàng thứ 3 trong hàng vị Tứ Phủ Thánh Hoàng.
Tích xưa lưu lại rằng Ông vốn là Thái Tử con vua Nam Tống, tên thật là Tống Khắc Bính, được sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần. Sự tích kể ngài thường cưỡi cá chép, lướt trên mặt nước để ngao du thiên hạ, cùng bằng hữu uống rượu, đánh cờ… thưởng thức thú vui của các bậc tao nhân mặc khách.
Điển tích ghi lại rằng Ông Bơ Thoải là anh em thận cận với Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ, khi rảnh rỗi thường cùng ngài ngồi thuyền rồng đi dạo chơi khắp chốn. Nhưng vì khi nhìn thấy con dân sống khổ cực lầm than mà nhận lệnh Đức Vua Cha lên cõi phàm làm khâm sai.
Ông Hoàng Bơ thường mở hội phúc duyên để ban phước cho làm ăn thuận buồm xuôi gióa, người học hành đỗ đạt thành tài, dân chúng bình an ấm no.
Quan Hoàng Bơ Thoải hiện nay được thở tại đền Hàn Sơn Thanh Hóa, đền Hưng Long Thái Bình và đền Vạn Ngang ở Đồ Sơn.
Ông Hoàng Bơ lúc về ngự Đồng thường mặc trang phục màu trắng thêu rồng, đầu đôi khăn xếp, tay cầm mái chèo.
Quan Hoàng Tư
Ông Hoàng Tư (Quan Hoàng Tư) là vị thứ 4 trong Tứ Phủ Thánh Hoàng được sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần Thủy Cung Hoàng Tử. Tương truyền ông chính là tướng quân Nguyễn Hữu Cầu thời vua Lê Trung Hưng, dẫn dắt dân chúng đứng lên khởi nghĩa.
Trong Đạo Mẫu, ông được Vua Cha Bát Hải Động Đình giao cho trông coi sổ đền rồng, cai quản điện ngọc miền Thủy Cung.
Đền thờ chính của Quan Hoàng Tư tọa tại thôn Cửu Điện, Nhân Hòa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Quan Hoàng Tư lúc về ngự Đồng thường mặc áo màu vàng thêu rồng, khăn chít mỏ rìu, múa cờ lệnh và kiếm. Tuy nhiên Quan Hoàng Tư thường ít khi về ngự đồng.
Quan Hoàng Năm
Quan Hoàng Năm (Ông Hoàng Năm) là vị thứ 5 trong Tứ Phủ Ông Hoàng, được giao cho nhiệm vụ trên Thiên Phủ. Hiện không có ghi chép nào về việc Quan Hoàng Năm đã giáng trần, nhưng trong dân gian có nơi truyền rằng Quan Hoàng Năm giáng sinh thành tướng quân Hoàng Công Chất.
Quan Hoàng Năm hiện chưa có đền thờ chính và thường rất ít khi về ngự Đồng. Ngài thường mặc trang phục màu xanh lam, đầu chít khăn mỏ rìu đi nét xanh, mạng chéo. Sau khi làm lễ khai quang, ngài ngự tọa, nghe chầu văn, hiến tửu và xe giá.
Quan Hoàng Lục
Quan Hoàng Lục (Ông Hoàng Lục) là vị thứ 6 trong Thập vị Quan Hoàng. Các sự tích về Quan Hoàng Lục được lưu truyền rất mơ hồ, đáng chú ý trong số đó là câu chuyện Quan Hoàng Lục đầu thai xuống phàm giới thành An Biên tướng quân, vốn là tộc trưởng trong dân tộc Tày, cai quản miền Cao Bằng ngày nay.
Đền thờ chính của Quan Hoàng Lục nằm tại đỉnh Đoỏng Lình, ngay nơi biên giới Cao Bằng. Quan Hoàng Lục rất ít khi về ngự Đồng, ngài chỉ thường về tại dững dịp vui bản đền. Lúc về ngự Đồng, Ông Hoàng Lục thường mặc trang phục hầu đồng màu Đỏ (có nơi sẽ mặc áo đen hoặc xanh) có thêu rồng, khoác áo choàng. Ngài về ngự giá, múa cờ và kiếm, ngự tửu rồi xe giá hồi cung.
Quan Hoàng Bảy Bảo Hà
Quan Hoàng Bảy (Ông Hoàng Bảy) là một vị Quan Hoàng lừng danh nhất trong Thập vị Quan Hoàng. Quan Hoàng Bảy Bảo Hà được sử sách ghi chép rõ ràng, là một nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam. Ông Hoàng Bảy là vị thánh được cả những con nhang đệ tử và những người ngoại đạo tôn kính và tới dâng nhang xin ban lộc nhiều nhất.
Quan Hoàng Bảy hạ trần vào thời nhà Lê, tên húy là Nguyễn Hoàng Bảy, ông được phong tước hiệu: Thượng Đẳng Thần Vệ Quốc . Trong lúc tại thế, Quan Hoàng Bảy đã được nhà vua cử lên trấn giữ vùng Quy Hóa, đánh đuổi giặc ngoại xâm dọc theo bờ sông Hồng. Chiến tích đầu tiên của Ông là giành được khu Khảu Bàn (ngày nay là Bảo Hà) và xây dựng căn cứ quân sự lớn ở vùng đất này.
Quan Hoàng Bảy hiện nay được nhân dân lập đền thờ tại Bảo Hà, Lào Cai. Quan Hoàng Bảy là một trong Thập vị Quan Hoàng hay về ngự Đồng và chấm lính bắt Đồng. Có quan niệm cho rằng, những người nào mà sát căn Ông Bảy thì thường thích uống trà tàu, hay đánh xóc đĩa, tổ tôm….
Khi ngự về giá đồng, ông thường mặc áo tím chàm hoặc lam (thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), đầu có đội khăn xếp có thắt lét lam, cài chiếc kim lệch màu ngọc thạch. Ông ngự về tấu hương, khai quang rồi cầm đôi hèo, chấm đồng.
Quan Hoàng Bát
Trong hàng ngũ Tứ Phủ Quan Hoàng, Quan Hoàng Bát (Ông Hoàng Bát) chính là vị Hoàng tử thứ 8 của vua cha Bát Hải Động Đình. những ghi chép còn lưu lại nói rằng ông chính là Nùng Chí Cao, là một nhân vật có thật trong lịch sử, một vị anh hùng dân tộc. Ông vốn là người dân tộc Tày – Nùng tại miền đất Cao Bằng.
Quan Hoàng Bát Nùng sinh sống dưới thời vua Lý Thái Tông vào thế kỷ thứ XI. Ông được người Tày tại châu Quảng Nguyên (Cao Bằng thời nay) tôn làm thủ lĩnh, sau được vua phong làm Thái Bảo Tướng Quân và nhận trọng trách trấn giữ biên cương.
Quan Hoàng Bát Nùng hiện nay được thờ tại Đền Kỳ Sầm gần thị xã Cao Bằng. Ngài hầu Mẫu thượng đồng đẳng, làm việc lục bộ nội chính. Quan Hoàng rất ít về ngự Đồng, chỉ những thanh đồng mang căn lục bộ mới có thể hầu giá hầu Quan Hoàng Bát. Khi về ngự đồng, ngài thường mặc y phục màu vàng, khăn mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi ghệt chân ghệt tay, mạng chéo, làm lễ tấu hương, khai quang, múa đôi trùy đồng (múa cờ, kiếm) và múa võ.
Quan Hoàng Chín Cờn Môn
Quan Hoàng Chín Cờn Môn (Ông Chín Cờn hay Ông Hoàng Chín) là vị quan hoàng thứ 9 trong Thập vị Quan Hoàng. Sự tích kể lại rằng Quan Hoàng Chín sinh sống vào thời Lý tại Nghệ An, sau này ông xuống tóc lập miếu tu trì tại cửa Cờn Nghệ An và cứu giúp người đi biển. Chính vì thế mà nhân dân biết ơn gọi ông là Ông Cờn Môn.
Hiện nay, Quan Hoàng Chín được lập đền thờ chính tại Đền Cờn ngoài, tọa lạc tại cửa biển Quỳnh Phương, Nghệ An. Quan Hoàng Chín cũng rất ít khi về ngự Đồng, chỉ những ai được ăn lộc Hoàng hoặc về chính đền thỉnh ngài thì ngài mới loan giá về ngự. Trang phục hầu giá Quan Hoàng Chín thường là áo the màu đen, đầu đội khăn xếp giống thư sinh ngày xưa. Sau khi khai quang làm lễ thì ngài thong dong làm thơ, đề chữ, ban tài phát lộc và nghe văn.
Quan Hoàng Mười
Quan Hoàng Mười (Ông Hoàng Mười Nghệ An) là vị quan hoàn cuối cùng trong Tứ Phủ Quan Hoàng. Quan Hoàng Mười là một vị Thiên Quan trên thiên phủ, Ông nổi danh trong dân gian vì tài hoa, văn võ song toàn, thanh liêm chính trực.
Hiện nay có rất nhiều dị bản lưu truyền về thần tích của Ông Hoàng Mười. Trong số đó có ba câu chuyện kể về việc Quan Hoàng Mười giáng thế, đầu thai làm tướng Nguyễn Xí, Lý Nhật Quang và Lê Khôi. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là chuyện Ông giáng sinh ở đất Nghệ An, lập ra nhiều công lao giúp dựng nước an dân, chiến công hiển hách.
Hiện nay, Đền thờ chính của Quan Hoàng Mười là Đền Xuân Am (đền Mỏ Hạc) nằm tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.
Giống như Quan Hoàng Bảy thì Quan Hoàng Mười là vị hay về ngự Đồng nhất, hầu như thanh đồng nào cũng sẽ mở giá mời Ông Hoàng Mười về để ban tài phát lộc. Lúc về ngự Đồng, Quan Hoàng Mười mặc trang phục màu vàng thêu rồng, đầu đội khăn xếp, thắt đai vàng, cài trâm vàng. Làm lễ khai quang, lấy quạt làm sách, lấy trâm làm bút mà đề thơ.
Lời kết
Hành trình khám phá về Tứ Phủ Ông Hoàng đến đây đã khép lại. Hy vọng những thông tin được chia sẻ trong bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hàng vị Tứ Phủ Ông Hoàng trong Đạo Mẫu Tứ Phủ, từ nguồn gốc, vai trò và những điều cần biết về các vị thần linh tối cao này.
Hãy luôn giữ tâm hồn rộng mở, trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống và tiếp tục tìm hiểu, khám phá những điều huyền bí ẩn chứa trong thế giới tâm linh của Đạo Mẫu Tứ Phủ. Chúc bạn luôn bình an, may mắn và thành công trên con đường tu tập cùng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của mình.
Nguồn tham khảo:
- Ts. Bùi Hùng Thắng, “Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam”, t. 943, 2016.
- Các sự tích về Đạo Mẫu Tứ Phủ trong dân gian