Bí ẩn Tứ Phủ Thánh Cô: 12 Vị Tiên Cô Đoan Trang, Liệt Nữ
Trong bức tranh tổng thể đầy huyền bí của Đạo Mẫu Tứ Phủ (Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ), 12 vị Tứ Phủ Thánh Cô nổi bật lên như một đóa hoa thơm rực rỡ sắc màu. Thập Nhị Vị Thánh Cô cao cao tại thượng, là những vị nữ thần linh thiêng, ban phước lành và che chở cho con dân Việt Nam. Qua bài viết này, hãy cùng trang thông tin Tứ Phủ lật lại những trang sử sách hào hùng, vén ra bức màn bí ẩn về Tứ Phủ Thánh Cô là những ai? Các Tiên Cô có địa vị thế nào? Được thờ ở đâu?… Hãy chuẩn bị tâm hồn rộng mở và sẵn sàng bước vào thế giới tâm linh đầy thiêng liêng của Đạo Mẫu Tứ Phủ!
Hàng vị Tứ Phủ Thánh Cô là gì? Địa vị ra sao?
Tứ Phủ Thánh Cô là cụm danh từ dùng để chỉ 12 vị Tiên Cô đi theo hầu cận bên cạnh Tam Tòa Thánh Mẫu hoặc Tứ Phủ Chầu Bà. Danh xưng đầy đủ của các Thánh Cô là Tứ Phủ Sơn Trang Thần Cáp Thánh Cô (四府山莊神頜聖姑).
Thông thường, do đều có 12 vị Tiên Cô nên Tứ Phủ Thánh Cô thường hay bị nhầm lẫn với Thập Nhị Bộ Tiên Nàng (12 Thánh Cô Sơn Trang) theo hầu cận bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn (Tam Tòa Sơn Trang). Ở đây chúng tôi đính chính lại rằng Tứ Phủ Thánh Cô và Thập Nhị Bộ Tiên Nàng là hai hàng vị hoàn toàn khác biệt.
Tứ Phủ Thánh Cô có hàng vị đứng ngay sau Thập Vị Quan Hoàng, gồm 12 vị Tiên Cô trong hệ thông Tứ Phủ Vạn Linh:
Tứ Phủ Thánh Cô bao gồm 12 vị tiên nữ:
Tên gọi | Trực thuộc |
Cô Cả Thượng Thiên | Thiên Phủ |
Cô Đôi Thượng Ngàn | Nhạc Phủ |
Cô Bơ Thoải Cung | Thoải Phủ |
Cô Tư Địa Cung | Địa Phủ |
Cô Năm Suối Lân | Nhạc Phủ |
Cô Sáu Sơn Trang | Nhạc Phủ |
Cô Bảy Kim Giao | Nhạc Phủ |
Cô Tám Đồi Chè | Nhạc Phủ hoặc Địa Phủ |
Cô Chín Cửu Tỉnh | Thiên Phủ |
Cô Mười Đồng Mỏ | Địa Phủ |
Cô Bé Thượng Ngàn | Nhạc Phủ |
Cô Bé Thoải | Thoải Phủ |
Tương truyền rằng 12 vị Tiên Cô trong Tứ Phủ Thánh Cô đều là những người tài sắc vẹn toàn, Công dung ngôn hạnh, trung quân liệt nữ. Vì thường xuyên hiển linh giúp dân, cứu nước nên được nhân dân phụng thờ.
Vén bức màn bí ẩn về Tứ Phủ Thánh Cô
Vì hệ thống Thần Linh Tứ Phủ rất đa dạng với phân cấp phức tạp, cho nên để không còn bị nhầm lẫn các Tiên Cô trong Tứ Phủ Thánh Cô với các hàng vị khác thì hãy tìm hiểu và ghi nhớ kỹ càng các thông tin về 12 vị Tiên Cô đã được chúng tôi tổng hợp và chứng thực dưới đây:
Cô Cả Thượng Thiên
Cô Cả Thượng Thiên (Cô Đệ Nhất Thượng Thiên) trực thuộc Thiên Phủ. Cô vốn là con của Vua Cha Thủy Tề, được phong danh hiệu làm Thiên Cung Công Chúa (天宮公主). Cô Cả Thượng Thiên thường hay đi theo hầu cận bên cạnh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên và Chầu Đệ Nhất.
Cô Cả Thượng Thiên đứng hàng đầu trong Tứ Phủ Thánh Cô, được Mẫu giao cho trọng trách chấm đồng và tiến cử Thanh Đồng về cửa Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên. Bên cạnh đó vì là người cận kề bên cạnh Mẫu nên Cô Cả Thượng Thiên thường kêu thay lạy đỡ cho những con nhang đệ tử có việc cần tấu lên chư Thánh.
Cô Cả Thượng Thiên thường được thờ chung với Mẫu Đệ Nhất hoặc Chầu Đệ Nhất tại các đền thờ trong hệ thống Đạo Mẫu Tứ Phủ. Ngoài ra cô còn được lập đền thờ tại Đền Cô Nhất tại Nghệ An.
Vì là người Thiên Phủ nên Cô Cả Thượng Thiên thường không về ngự Đồng. Cô Cả chỉ về chứng sang khăn áo cho Đồng Tân Lính Mới trong các dịp khai đàn mở phủ, có những nơi còn thỉ Cô về để chứng lễ se duyên.
Lúc về ngự Đồng, Cô Cả thường hay mặc trang phục hầu đồng màu Đỏ thêu Phượng, đầu quấn khăn đóng, làm lễ khai quang rồi múa quạt.
Cô Đôi Thượng Ngàn
Nhắc đến Cô Đôi Thượng Ngàn, có thể nói đây là vị Thánh Cô nổi danh nhất hiện nay trong Tứ Phủ Thánh Cô, đối với cả những người theo Tín Ngưỡng Thờ Mẫu hay với những người dân bình thường. Bởi hình ảnh Cô Đôi Thượng Ngàn trong khoảng 5-7 năm gần đây đã được nghệ thuật hóa và sử dụng làm nét văn hóa để quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông kể cả trong và ngoài nước.
Cô Đôi Thượng Ngàn vốn là người dân tộc Mường tại vùng Ninh Bình. Cô Đôi Thượng Ngàn được gọi với nhiều danh xưng khác nhau như: Cô Đôi, Cô Đôi Thượng, Sơn Tinh Công Chúa (山精公主) và được sắc phong Thượng Đẳng Thần bởi Hoàng Đế Khải Định. Cô Đôi thuộc miền Nhạc Phủ, hầu cận bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn và Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn.
Cô Đôi được giao cho trọng trách về Chấm Đồng, Bắt Đồng và cai quản kho lộc Sơn Lâm, Sơn Trang để ban phát cho dân chúng trần thế. Cô Đôi Thượng Ngàn được dân chúng lập đền thờ tại rất nhiều địa phương và lấy ngày 6 tháng 1 âm lịch hàng năm làm ngày khánh tiệc, các đền thờ chính của Cô có thể kể tới như:
- Đền thờ chính: Đền Thượng Bồng Lai, xã Nho Quan, Ninh Bình
- Đền Bồng Lai Thượng, Hòa Bình
- Gần đền Mẫu Đông Cuông , Yên Bái
- Đền Cô Đôi, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa
Cô Đôi Thượng Ngàn rất hay về ngự Đồng. Vì cô có danh tiếng rất lớn trong lòng dân chúng mà trong hầu hết các giá hầu đồng hiện nay thì hầu như ai cũng sẽ thỉnh Cô Đôi Thượng Ngàn ngự giá về Đồng. Vì thế mà đệ tử của cô đông đảo và Cô Đôi cũng rất hay về bắt Đồng. Cô Đôi cũng rất hay về để chứng cho lễ khai đàn mở Phủ.
Trong các giá hầu Cô Đôi Thượng Ngàn thường mặc trang phục hầu đồng là áo xanh ngắn đến hông, quầy đen hoặc quầy hoa. Đầu đội khăn voan kết hoa hoặc khăn vấn có đính thêm hoa. Lúc Cô về khai quang làm lễ rồi múa mồi, múa tay tiên, hái tài hái lộc ban cho đệ tử.
Cô Bơ Thoải Cung
Cô Bơ Thoải Cung là vị Thánh Cô đứng thứ ba trong Tứ Phủ Thánh Cô được phong tước Thượng Đẳng Thần. Tương truyền Cô Bơ chính là con gái của Vua Thủy Tề dưới Thủy Cung. Cô Bơ Thoải Cung còn được gọi dưới nhiều cái tên như: Cô Bơ Thoải, Cô Bơ, Cô Bơ Bông, Cô Bơ Hàn Sơn, Cô Bơ Thác Hàn hay Thủy Cung Công Chúa.
Cô Bơ Thoải hầu cận bên cạnh Mẫu Thoải dưới miền Thoải Phủ, cô có y thuật cao minh ban thuốc giúp dân chữa bệnh, bên cạnh đó Cô Bơ còn giúp cho dân chúng có cơ duyên được hạnh phúc, qua cảnh lầm than.
Ngày nay, Cô Bơ Thoải được dân chúng lập đền thờ chính tại: đền Cô Bơ, huyện Hà Trung, Thanh Hóa, Đền Cô Bơ, Tuyên Quang và Đền Cô Bơ, huyện Duy Tiên, Hà Nam (kề bên đền Lảnh Giang). Lấy ngày 12 tháng 6 Âm lịch làm ngày khánh tiệc.
Cô bơ là một trong những vị Thánh Cô hay về ngự đồng nhất trong hàng vị Tứ Phủ Thánh Cô. Cô Bơ Thoải cũng giống với những vị Tiên Thánh miền Thoải Phủ, Cô Bơ mặc trang phục hầu đồng là áo ngũ thân trắng, đầu đội khăn vành dây có thắt lét trắng, đôi khi cài ba nén hương, đôi khi lại khoác áo choàng trắng, thắt dải lưng hồng để đo nước, đo mây. Lúc về ngự đồng, Cô Bơ làm lễ tấu hương, tay cầm đôi mái chèo để chèo thuyền du ngoạn, đo nước đo mây.
Cô Tư Địa Cung
Cô Tư Địa Cung là vị Thánh Cô thứ 5 trong hàng vị Tứ Phủ Thánh Cô, cô còn được dân chúng biết tới với cái tên Cô Tư Tứ Tổng Tây Hồ. Cô là vị Thánh Cô đi theo hầu cận bên cạnh Mẫu Liễu Hạnh và Chầu Đệ Tứ Địa Cung Khâm Sai.
Hiện nay, vào các ngày khánh tiệc Cô Tư (6 tháng 7 Âm lịch) các bạn có thể tới dâng nhang tỏ lòng thành kính tới Cô Tư Địa Cung tại hai đền thờ chính là: Phủ Tây Hồ và Đình Tứ Liên tại Hà Nội. Có một ngôi đền khác cũng được cho là đền thờ của Cô Tư Địa Cung là Đền Ỷ La, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc Cô Tư Địa Cung và Cô Tư Ỷ La có phải là cùng một người hay không.
Cô Tư Địa Cung rất hiếm khi về ngự Đồng. Lúc hầu giá Cô Tư, Thanh Đồng thường hay mặc trang phục hầu đồng màu vàng nhạt, tóc cài trâm hoa, tai đeo khuyên vàng. Làm lễ khai quang rồi múa mồi, múa quạt.
Cô Năm Suối Lân
Đứng thứ 5 trong Tứ Phủ Thánh Cô chính là Cô Năm Suối Lân, Cô Năm vốn chính là tiên nữ trên trời vì tuân lệnh bề trên mà giáng trần xuống làm con một gia đình dân tộc Nùng tại vùng Hữu Lũng, Lạng Sơn. Cô Năm Suối Lân còn có một tên gọi khác là Cô Năm Sơn Trang hay Cô Năm Sông Hóa, là vị tiên cô trông coi bản đền Suối Lân và hầu cận bên cạnh Chầu Năm Suối Lân.
Ngày nay, Cô Năm Suối Lân được phối thờ chung với Chầu Năm Suối Lân tại Đền Suối Lân (Hữu Lũng, Lạng Sơn). Lấy ngày 20/5 Âm lịch hàng năm làm ngày khánh tiệc.
Trong Tứ Phủ Thánh Cô, Cô Năm Suối Lân khá hiếm khi về ngự Đồng, thường chỉ những thanh đồng nào sát căn Cô Năm về bản đền Suối Lân làm lễ thỉnh bóng thì Cô Năm mới về ngự đồng (thường cô sẽ ngự giá vào lúc nửa đêm).
Các giá hầu đồng Cô Năm Suối Lân thường có trang phục hầu đồng màu manh thiên thanh hoặc xanh lá, trang phục có đôi chút giống với của Chầu Năm Suối Lân nhưng là áo ngắn vạt. Đầu chít khăn củ ấu, tóc cài hoa, vai đeo túi vóc, hông dắt dao quai, chân mang hài cánh tiên. Lúc cô về làm lễ khai quang rồi múa mồi.
Cô Sáu Sơn Trang
Giống với Cô Năm, Cô Sáu Sơn Trang cũng là người dân tộc Nùng ở đất Hữu Lũng. Truyền thuyết dân gian kể rằng: Cô Sáu Sơn Trang chính là tiên cô hầu cận bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn và Chầu Lục Cung Nương. Do đó mà Cô Sau Sơn Trang còn được gọi với cái tên là Cô Sáu Lục Cung.
Cô Sáu Lục Cung sinh thời xinh đẹp nết na, có tài y thuật chữa bệnh cứu người. Cho nên sau này, dân chúng khắp nơi thường về cửa Cô Sáu để xin thuốc tiên trị bệnh.
Cô Sáu Sơn Trang hiện được thờ tại đền Lục Cung Chín Tư (Hữu Lũng, Lạng Sơn), đền thờ Cô Sáu nằm ngay cạnh đền thờ Chầu Lục Cung Nương. Ngày khánh tiệc của cô là ngày 10 tháng 5 âm lịch hàng năm.
Trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô, Cô Sáu Lục Cung rất hay về ngự đồng. Lúc về ngự Đồng, Cô Sáu mặc áo màu chàm tím, ngắn vạt, tay rộng. Mặc quầy đen, đầu đội khăn chít hoa, trâm cài lược dắt. Giống như những tiên cô khác trong miền Nhạc Phủ, Cô Sáu về làm lễ khai quang rồi tay múa mồi.
Cô Bảy Kim Giao
Cô Bảy Kim Giao chính là vị Thánh Cô thứ bảy trong 12 vị Thánh Cô Tứ Phủ. Cô Bảy là tiên cô hầu cận bên cạnh Chầu Bảy Kim Giao tại vùng Mỏ Bạch. Do đó mà Cô Bảy Kim Giao còn được gọi với cái tên Cô Bảy Mỏ Bạch và Cô Bảy Tân La.
Theo lời truyền trong dân gian thì Cô Bảy Kim Giao có công giúp dân khai phá, trồng trọt và có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhưng hiện nay không tìm được tài liệu chính thức nào nói chi tiết về Cô Bảy Kim Giao.
Hiện nay, Cô Bảy được thờ chính tại đền Kim Giao (Thanh Liên, Mỏ Bạch, Thái Nguyên) và Đền Tân La (Dốc Lã, Bảo Khê, Hưng Yên). Ngày tiệc Cô được lấy chung ngày 21 tháng 7 âm lịch, là ngày tiệc Chầu Bảy Kim Giao.
Trong nghi thức Hầu Đồng, hầu như có rất ít những bản văn về Cô Bảy Kim Giao và Cô Bảy cũng rất ít về ngự Đồng. Hầu như rất ít tư liệu về giá hầu Cô Bảy Kim Giao có thể tìm thấy.
Cô Tám Đồi Chè
Cô Tám Đồi Chè là vị Tiên Cô thứ 8 trong Tứ Phủ Thánh Cô. Truyện xưa kể lại rằng Cô Tám giáng sinh vào thời vua Lê Thái Tổ, cùng thời với Cô Bơ Thác Hàn. Cô vốn là người thiếu nữ trồng chè tại vùng Phong Mục, Hà Trung, Thanh Hóa. Cô thường làm thuốc chữa bệnh cho mọi người, sau này còn có công đánh đuổi giặc ngoại xâm nên đã được nhân dân tôn thờ, lấy hiệu là Cô Tám Đồi Chè.
Đền thờ của Cô là Đền Cô Tám Đồi Chè, Phong Mục, Hà Trung, Thanh Hóa (nếu đi từ đền Cô Bơ sang thì qua đò Lèn). Ngoài ra còn có Đền Cô Tám ở Thái Nguyên. Ngày Tiệc Cô Tám Đồi Chè là ngày 26 tháng 6 Âm lịch hàng năm.
Cô Tám Đồi Chè lúc về ngự Đồng thường mặc Áo xanh hoặc Tím, quầy đen, đầu quấn khăn chít hoa, múa mồi rồi múa tay tiên mô phỏng lại động tác đi hái chè trên non. Tuy nhiên Cô Tám rất hiếm khi về ngự đồng, bạn chỉ thường gặp giá hầu Cô Tám Đồi Chè tại đền chính thờ cô.
Cô Chín Cửu Tỉnh
Cô Chín Cửu Tỉnh (Cô Chín Sòng Sơn) đứng hàng thứ 9 trong Tứ Phủ Thánh Cô, được dân gian cho là người hầu cận bên cạnh Mẫu Sòng Sơn (Mẫu Liễu Hạnh). Ngoài ra cũng có những truyền thuyết cho rằng Cô là hầu cận bên cạnh Mẫu Thoải và Chầu Chín Cửu Tỉnh. Do đó mà hiện nay Cô Chín được người dân gọi với rất nhiều cái tên như: Cô Chín, Cô Chín Sòng Sơn, Cô Chín Giếng, Cô Chín Rồng, Cô Chín Suối, Cô Chín Tây Thiên, Cô Chín Thượng.
Cô Chín Cửu Tỉnh là một tiên cô tài hoa bậc nhất, Cô có tài xem bói, bốc thuốc chữa bệnh, ngoài ra Cô Chín còn nhận trọng trách tâu với Thiên Đình về những kẻ phạm tội, thu giam hồn phách cho dở điên dở dại.
Hiện nay, Cô Chính Cửu Tỉnh được thờ tại: Đền Mẫu Sòng Sơn (Bỉm Sơn, Thanh Hóa), Đền Mẫu Cửu (Bỉm Sơn, Thanh Hóa) và Phủ Quảng Cung (Ý Yên, Nam Định). Ngày tiệc Đản nhật Cô Chín vào ngày 9 tháng 9 âm lịch, còn ngày tiệc chính vào ngày 19 tháng 9 âm lịch.
Cô Chín rất hay về ngự đồng. Hết các thanh đồng khi hầu bóng đều có giá hầu Cô Chín. Trang phục hầu đồng Cô Chín có màu hồng phớt (đào phai), tay cầm đôi quạt. Khi ngự đồng, Cô múa quạt tiến Mẫu, múa cờ tiến Vua; có khi thêu hoa dệt lụa rồi lại múa cánh tiên.
Cô Mười Đồng Mỏ
Cô Mười Đồng Mỏ đứng thứ mười trong 12 vị Tứ Phủ Thánh Cô, theo các bản chầu văn ghi lại thì Cô Mười là một tiên nữ xinh đẹp, hay cười, tính tình gần gũi. Cô theo hầu bên cạnh Chầu Mười Đồng Mỏ, có công cùng Chầu giúp sức vua Lê đánh đuổi giặc Minh xâm lược nước ta. Cô Mười Đồng Mỏ được cho là nhận trọng trách cai quản các mỏ vàng bạc ở vùng Chi Lăng.
Cô Mười Đồng Mỏ hiện nay được thờ cùng với Chầu Mười tại Đền Chầu Mười (Mỏ Ba, huyện Đồng Mỏ, Lạng Sơn). Đền Chầu Mười được lập ngay trên ngọn núi cao, sát cửa ải Chi Lăng, nơi Chầu Mười Đồng Mỏ trấn giữ năm xưa. Ngày tiệc của Cô Mười cũng lấy chung ngày tiệc của Chầu Mười là ngày 10 tháng 11 Âm lịch.
Bạn sẽ rất hiếm khi có duyên được dự giá hầu Cô Mười Đồng Mỏ và Cô không chấm lính bắt đồng nên cũng rất ít khi về ngự đồng. Chỉ khi về chính đền thì các thanh đồng mới hay thỉnh cô về ngự đồng.
Theo lời kể của các Cụ Đồng thì trong giá hầu, Cô Mười Đồng Mỏ mặc áo vàng tươi thắt đai hoa, đầu chít khăn củ ấu, đeo cung mang kiếm xông pha trận mạc.
Cô Bé Thượng Ngàn
Cô Bé Thượng Ngàn không giống với các vị Thánh Cô khác trong hàng vị Tứ Phủ Thánh Cô. Đây không phải danh từ để chỉ một vị tiên cô cụ thể mà là cụm danh từ dùng để chỉ một nhóm các Cô Bé theo hầu sau Mẫu Thượng Ngàn ở miền Nhạc Phủ. Tùy theo bản đền mà Cô Bé Thượng Ngàn sẽ và một vị Tiên Cô khác nhau, ví dụ như:
- Cô Bé Thượng Ngàn: Tp. Lạng Sơn, Lạng Sơn
- Cô Bé Suối Ngang: huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn
- Cô Bé Đông Cuông: huyện Văn Yên, Yên Bái
- Cô Bé Chí Mìu: huyện Lạng Giang, Bắc Giang
- Cô Bé Cây Xanh: huyện Lục Nam, Bắc Giang
- Cô Bé Cây Xanh: Tp. Tuyên Quang, Tuyên Quang
- Cô Bé Nguyệt Hồ: huyện Yên Thế, Bắc Giang
- Cô Bé Minh Lương: xã Lăng Quán, Tuyên Quang
- Cô Bé Thác Bờ: huyện Cao Phong, Hòa Bình
- Cô Bé Sóc: Miền Nam
- Cô Bé Mỏ Than: Tp. Tuyên Quang, Tuyên Quang
- Cô Bé Móng Và: thị trấn Sapa, Lào Cai (còn gọi là Cô Bé Sa Pa, Cô Bé Tả Van)
- Cô Bé Tây Thiên: huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
Cô Bé Thoải
Cô Bé Thoải là vị Tiên Cô cuối cùng trong hàng vị Tứ Phủ Thánh Cô, Cô là một vị tiên nữ xinh đẹp tài giỏi có phép hô mưa gọi gió. Cô là tiên nữ hầu cận bên cạnh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Hiện nay có rất ít tài liệu ghi chép về Cô Bé Thoải. Nhưng trong dân gian hiện nay vẫn có nơi thờ cúng Cô Bé Thoải tại Đền Bơ Bông, Cô được thờ ở Lầu Cô ngoài trời.
Lời nhắn nhủ thông qua Tứ Phủ Thánh Cô
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ Tứ Phủ và Tứ Phủ Thánh Cô là một nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam. Mỗi vị Tiên Cô đều có câu chuyện, phẩm chất và phép thuật riêng, được nhân dân tôn kính và thờ phụng. Việc thờ phụng thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các vị thần linh, cầu mong sự phù hộ, bình an và may mắn trong cuộc sống là nét đẹp cần được gìn giữ.
Mong rằng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về Tứ Phủ Thánh Cô trong Đạo Mẫu Tứ Phủ.
Tài liệu tham khảo:
- Sách “Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ”, Ts. Bùi Hùng Thắng.
- Sự tích về Đạo Mẫu Tứ phủ lưu truyền trong dân gian.