Quan Lớn Đệ Lục Bố Cái Đại Vương trong Đạo Mẫu
Trong Đạo Mẫu Tứ Phủ và Hội Đồng Quan Lớn thì ai ai cũng đã nghe danh tới Ngũ vị Tôn Quan anh minh lẫm liệt, nhưng có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết được rằng hàng vị này còn có thêm 5 vị từ Quan Lớn Đệ Lục tới Đệ Thập. Năm vị này được gọi với cái tên Lục Phủ Tôn Ông và Quan Lớn Đệ Lục chính là vị đứng đầu. Bài viết này của website Tứ Phủ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về Quan Lớn Đệ Lục từ danh tính, nguồn gốc, đền thờ và sự tích của Ngài.
Danh tính và nguồn gốc Quan Lớn Đệ Lục
Bàn về danh tính, Quan Lớn Đệ Lục là vị đứng thứ 6 trong hàng vị Hội Đồng Quan Lớn của Đạo Mẫu (đứng đầu trong Lục Phủ Tôn Ông). Trong cộng đồng Đạo Mẫu Tứ Phủ hiện nay có lưu truyền hai truyền thuyết về Ngài:
- Quan điểm thứ nhất, Quan Lớn Đệ Lục là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, sử sách lưu truyền lại thì Ngài là thủ lĩnh của nghĩa quân nổi dậy chống lại sự áp bức của giặc nhà Đường (Trung Quốc), góp công lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc để bảo vệ lãnh thổ nước Nam.
- Quan điểm thứ hai, theo những sự tích dân gian và tín ngưỡng thờ Mẫu thì Quan Lớn Đệ Lục chính là con trai thứ 6 của Vua cha Bát Hải Động Đình. Ngài đã góp công lớn cùng với vua cha đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, tuy hai ý kiến này tuy không có xung đột với nhau nhưng lại gây ra rất nhiều những tranh cãi trong cộng đồng.
Bởi theo tín ngưỡng Tam Phủ thì các vị vua trong lịch sử sẽ không nắm giữ chức trong hàng Quan Lớn bởi khi xếp một vị quân vương của một nước vào hàng vị của các Quan Lớn tựa như đang hạ thấp địa vị ngai vua của chính đất nước. (Theo ý kiến của TS. Bùi Hùng Thắng – chủ biên cuốn sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam)
Người ta thường quan niệm các vị vua chính là Thiên Tử (con của trời), có địa vị rất cao và có cả quyền sắc phong cho thần linh. Minh chứng cho điều đó chính là việc tại các đền phủ hiện nay vẫn còn những bản sắc phong cho các Tiên Thánh được ban hành bởi nhiều đời Vua.
Chính bởi quan niệm đó mà nhiều người không cho rằng Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng là người nắm giữ chức Quan Lớn Đệ Lục trong Đạo Mẫu. Hiện nay sẽ rất khó có thể đưa ra những bằng chứng và lý lẽ xác đáng để phán định đâu mới là quan niệm chính xác bởi các ghi chép về Quan Lớn Đệ Lục hầu hết đã bị tàn phá bởi chiến tranh.
Đền thờ Quan Lớn Đệ Lục
Bởi Quan Lớn Đệ Lục là một vị tôn quan bí ẩn và không còn có nhiều thông tin lưu trữ, và Ngài cũng là một vị không quá nổi danh đối với dân chúng. Bởi vậy mà hiện nay có rất ít đền thờ của Quan Đệ Lục.
Trước đây, Ngài được thờ tại Miếu Giáp Lục tại thôn Đào Động, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Miếu này được lập ra dựa trên sựu tích ngài cùng Vua Cha Bát Hải Động Đình đánh giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, Miếu cũ đã bị tàn phá trong cuộc kháng chiến chống Pháp do bị địch chiếm đóng làm đồn bốt. Ngày nay miếu mới được dựng lại trên nền cũ và nằm cách đền Quan Lớn Đệ Nhị khoảng 500m.
Bên cạnh Miếu Giáp Lục là đền thờ Quan Lớn Đệ Lục chính thức thì Ngài còn được thờ tại đền Quan Lớn Đệ Lục nằm trong đất Lộng Khê, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đền thờ nằm trên di tích núi Đống Thần cũ.
Quan Lớn Đệ Lục còn được phối thờ trong quần thể di tích đền Đồng Bằng tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Ngày khánh tiệc Quan Lớn Đệ Lục diễn ra vào mùng 8 và mùng 9 thánh Giêng hàng năm. Quý vị gần xa có thể tới viếng thăm các đền thờ chính của Ngài hoặc có thể đặt lễ và bái phỏng tại các đền thờ có ban hội đồng quan lớn.
Các câu chuyện về Quan Lớn Đệ Lục
Theo sự tích tâm linh dân gian được lưu truyền lại, Quan Lớn Đệ Lục có hai lần hiển linh lưu lại thần tích:
Lần hiển linh thứ nhất
Lần hiển linh đầu tiên vào thời Hùng Vương thứ 18, lúc ấy Thục Vương cùng các nước lân cận tiến quân vào 8 cửa biển của nước ta. Lúc ấy, Quan lớn Đệ Lục giáng trần vào đất Long Khê, Tứ Kỳ, Hải Dương. Nghe theo lời triệu gọi của Vua Cha Bát Hải mà tề tựu về phụ tá cha đánh giặc.
Ngài cùng các vị khác trong Lục Phủ Tôn Ông nhận trọng trách trấn giữ 6 cửa biển, chỉ trong vòng ba ngày đã có thể đánh tan liên minh của quân địch.
Lần hiển linh thứ hai
Năm Nhâm Thân thời Trần, giặc ngoại xâm hung hãn, vua sai danh tướng Trần Quang Khải trấn giữ cửa ải thượng khu Trảng Đào Động (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). Trước sức mạnh áp đảo của giặc, quân ta buộc phải rút lui về châu Hồng Châu, phủ Hải Dương (nay là Tứ Kỳ Hạ, bên sông Cắt, Thái Bình).
Trên đường di chuyển, quân sĩ bỗng phát hiện một con rắn khổng lồ bơi song song bên cạnh. Khi đến địa phận Long Khê (Tứ Kỳ Hạ), tổng Tất Lại, con rắn bỗng nhiên phát ra vầng hào quang ngũ sắc rực rỡ, bay về núi Đồng Thần gần đó và biến mất một cách bí ẩn.
Nơi con rắn biến mất, cây cối bỗng dưng phát triển xanh tốt, bạt ngàn trên diện tích rộng lớn khoảng chục hecta. Nhận thấy địa thế thuận lợi, tướng quân Trần Quang Khải quyết định cho quân sĩ dừng chân và đóng quân tại đây.
Chiều mùng chín tháng giêng, triều đình cùng dân làng tại bản tổ chức lễ cầu cúng, lập đàn linh sơn tú khí để cầu mong chiến thắng. Theo tương truyền, thổ thần làng Lộng Khê đã hiện thân giúp nhà vua đánh giặc, trực tiếp trấn thủ tám thành cảng phía Tây.
Nhờ có sự phù trợ của thần linh, đất nước nhanh chóng được bình yên. Vua ban sắc phong cho vị thổ thần này là “Đệ Lục Tôn Quan Thượng Thượng đẳng tối linh thần” và ban cho nhân dân trong vùng quyền thờ phụng, tưởng nhớ công ơn to lớn của ngài.
Lời kết
Dưới bóng linh thiêng của Đạo Mẫu, Quan Lớn Đệ Lục – vị tôn quan bí ẩn, uy linh – vẫn luôn âm thầm che chở và phù hộ cho chúng ta. Dù còn nhiều tranh cãi về nguồn gốc và sự tích của Ngài, nhưng hình ảnh Quan Lớn Đệ Lục luôn hiện hữu trong tâm trí người dân Việt Nam như một vị anh hùng, một vị thần linh hiển hách. Hãy thành tâm cầu nguyện Quan Lớn Đệ Lục ban cho chúng ta sức khỏe, bình an và may mắn trong cuộc sống.
Bài viết liên quan
Quan Lớn Tuần Tranh Đệ Ngũ – Nỗi oan thấu tận trời xanh
Giữa cõi trần mịt mù oan khuất, vang vọng đâu đó câu chuyện bi thương về Quan Lớn Tuần Tranh – vị anh hùng tài ba, đức độ của Đạo […]
Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ quyền uy của miền sông nước
Quan Lớn Đệ Tam Thoải Phủ đứng thứ 3 trong Hội Đồng Quan Lớn, là vị chiến thần sông nước đánh đuổi ngoại xâm, ban tài phát lộc cho dân