Tam Tòa Thánh Mẫu là những vị nào? Các ngài được lập đền thờ ở đâu?
Là một người có quan tâm tới Đạo Mẫu (Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ) có thể bạn đã biết tới danh từ Tam Tòa Thánh Mẫu. Hẳn bạn đọc đang tò mò về danh tính cụ thể, vai trò của ba vị mẫu quan trọng này và những nơi họ được thờ phụng? Để biết rõ hơn về Tam Tòa Thánh Mẫu, hãy cùng đọc tiếp bài viết dưới đây của Website Tứ Phủ. Bài viết sẽ giới thiệu chi tiết về các ngài, đồng thời chia sẻ những đền chùa nổi tiếng thờ phụng Tam Tòa Thánh Mẫu.
Hy vọng qua bài viết, bạn đọc sẽ có thêm kiến thức Đạo Mẫu về vai trò và ý nghĩa to lớn của Tam Tòa Thánh Mẫu trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người Việt. Hãy cùng khám phá nhé!
Tam Tòa Thánh Mẫu là những vị nào?
Tại hầu hết Đền thờ, điện thờ tại Việt Nam, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy tượng thờ của Tam Tòa Thánh Mẫu. Bởi trong bài viết chi tiết về Hệ Thống thần linh Tứ Phủ của chúng tôi cũng đã giới thiệu, Tam Tòa Thánh Mẫu là một trong số những vị Thánh có địa vị cao nhất trong Tam Phủ Công Đồng và Tứ Phủ Vạn Linh.
Ba vị Thánh Mẫu bao gồm: Mẫu Thượng Thiên (trang phục màu Đỏ) là vị vai quản Thiên phủ (miền trời), Mẫu Thượng Ngàn (Áo xanh) là vị cai quản Nhạc Phủ (miền rừng) và Mẫu Thoải (áo trắng) là vị cai quản Thoải Phủ (Miền Nước).
Trong cộng đồng Đạo Mẫu Việt Nam, có rất nhiều những tranh cãi xung quanh ba vị Thánh Mẫu này. Cụ thể có những quan niệm đối lập nhau như:
- Có người quan niệm 3 vị Thánh Mẫu này là ba người khác nhau, cũng có người quan niệm 3 vị này chính là hóa thân 3 lần giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh.
- Trong hệ thống Tam Tòa Thánh Mẫu, Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên không phải là Mẫu Liễu Hạnh mà là Mẫu Cửu Trùng Thiên.
- Tam Tòa Thánh Mẫu thực ra phải có 4 vị. Vị còn Thiếu là Mẫu Địa Phủ.
Vậy những quan niệm này ai đúng ai sai? Hãy cùng tìm hiểu và tự đưa ra cho mình những phán đoán thông qua thông tin tổng hợp về Tam Tòa Thánh Mẫu mà có thể bạn chưa biết dưới đây:
Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên hay còn gọi là Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên. Ngài là vị đứng đầu trong Tam Tòa Thánh Mẫu và đứng giữa (mặc đồ màu Đỏ), là vị Thánh cai quản Thiên Phủ.
Trong hệ thống Tam Phủ Công Đồng, mọi người quan niệm Mẫu Thượng Thiên chính là Mẫu Liễu Hạnh (Liễu Hạnh Công Chúa). Nhưng Trong hệ thống Tứ Phủ Vạn Linh thì lại có tài liệu cho rằng Mẫu Thượng Thiên là Mẫu Cửu Trùng Thiên và vì ngài ở Thiên Giới xa xôi mà trao quyền lại cho Mẫu Liễu Hạnh đang ở Trần Thế để tiện quyền cai quản vùng trời. Đồng Thời trong Tứ Phủ thì Mẫu Liệu Hạnh là Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên (Mẫu Đệ Nhị Đông Cuông).
Về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, truyền thuyết lưu lại rằng Mẫu Thượng Thiên chính là con gái của Vua cha Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngài có 3 lần giáng thế để kinh bang tế thế, giúp dân, cứu người:
- Lần thứ nhất: Ngài giáng trần ở Quảng Nạp, Vỉ Nhuế, Ý Yên, Nam Định và có tên là Phạm Tiên Nga, dương thọ 40 tuổi.
- Lần thứ 2: Giáng trần ở An Thái, Vụ Bản, Nam Định. Có tên là Lê Giáng Tiên, kết duyên cùng Trần Đào Lang, sống tới năm 21 tuổi thì về trời.
- Lần thứ 3: Giáng thế tại Nga Sơn, Thanh Hóa. Bà hạ trần lấu tên là Liễu Hạnh và kết duyên cùng Mai Thanh Lâm (là kiếp sau của ông Trần Đào Lang) được một năm. Năm 18 tuổi thì bà mãn hạn trần thế và hồi về tiên phủ.
Về Thần Pháp, Ngài được lưu truyền có Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện và Pháp Lôi (Mây, mưa, sấm, sét) dùng để cai quản vùng trời. Về sự tích lưu truyền dân gian thì qua ba lần giáng thế, ngài đã không ít lần ủng hộ tiền bạc, giúp dân đắp đê, xây cầu, mở rộng đường xá, dạy nghề và cách làm ăn buôn bán cho dân. Trong lúc loạn thế, bà dùng tài phép của mình để giúp dân đánh đuổi giặc Tàu. Vào thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, nhân dân lầm than thì bà đi khắp nơi để cứu nhân độ thế, trừng trị kẻ ác.
Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Mẫu Thượng Ngàn là Thánh Mẫu Đệ Nhị trong Tam Tòa Thánh Mẫu, bà ngồi ở phía tay phải bên Mẫu Đệ Nhất và thường mặc trang phục màu xanh. Ngài là vị Thánh Mẫu cai quản Nhạc Phủ, cai quản con người, cây cối và muông thú.
Giống như Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn cũng được lưu truyền nhiều sự tích trong dân gian như:
- Một trong số đó cho rằng bà là con của vua cha Đế Thích, đầu thai làm con gái của Vua Hùng Vương, khi sinh hạ bà thì Mẫu Hậu đau quá mà vịn vào cành quế vì thế mà được vua cha đặt tên cho là Quế Hoa Mị Nương (Quế Mị Nương)
- Có tích nói rằng Mẫu Đệ Nhị là con gái của thần núi Sơn Tinh (Tản Viên Sơn Thánh trong Tứ Bất Tử) và Mị Nương có tên là La Bình công chúa.
Ngay từ lúc còn nhỏ, công chúa La Bình đã là một người thông minh, tài giải, bản lĩnh. Nàng đã phụ giúp vua cha cai quản miền rừng núi, dạy dỗ muôn loài và dân chúng. Sau khi cha mẹ của nàng phục lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế mà về trời thì La Bình công chúa được phong làm Công Chúa Thượng Ngàn và thay vua cha cai quản 81 cửa rừng, các vùng núi non.
Bà dạy dân cách trồng cấy, phát rẫy làm nương, làm ruộng bậc thang, xây dựng nhà cửa, săn bắt hái lượm, chăn nuôi, trồng lúa… Trong thời binh đao, bà đã hiện thân phù trợ nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm từ thời Trần đánh quân Nguyên Mông tới thời Lê Lợi khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh.
Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ
Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ chính là vị Thánh Mẫu cuối cùng trong Tam Tòa Thánh Mẫu, bà thường mặc trang phục màu trắng. Mẫu Thoải cai quản miền nước và gắn liền với cuộc sống miền sông nước của nhân dân.
Mẫu Thoải có liên quan sâu xa tới đất nước và con người Việt Nam ngay từ những ngày đầu dựng nước. Vì thế mà có rất nhiều sự tích nói về nguồn gốc của bà như:
- Tại vùng Thái Bình và Nghệ An: Dựa theo truyền thuyết, trong thời kỳ bước đầu hình thành nước Văn Lang, vua Kinh Dương Vương đi khắp các vùng đất để khai phá và mở rộng bờ cõi. Một hôm, nhà vua tới bờ sông Lam ngày nay và gặp một cô gái xinh đẹp. Đó chính là con gái của Long Vương, người cai quản các sông ngòi, biển cả. Hai người đã lập gia đình và sinh ra Sùng Lãm (Lạc Long Quân). Vì là con gái của Long Vương, bà được giao nhiệm vụ quản lý các sông sông, ao hồ. Theo truyền thuyết Nghệ An, nơi họ gặp nhau là khu vực sông Lam ngày nay, trước đây gọi là sông Thanh Long.
- Truyền thuyết tại đền Dùm – Tuyên Quang: Theo tích này, Bà vốn là con gái Vua Thủy Tề ở Long Cung. Bà kết hôn với Kính Xuyên (con Vua Đất) nhưng bị tiểu thiếp Thảo Mai ghen ghét, vu cáo tư thông. Kính Xuyên tin lời đồn, bắt bà vào cũi để thú ăn thịt nhưng tại nơi rừng sâu bà lại được muôn thú yêu mến và dâng hoa trái nước uống cho bà. Một hôm, thư sinh Liễu Nghị tình cờ bị lạc trong rừng và gặp được bà, được bà nhờ chuyển lời kể lại sự thật cho vua cha. Vua cha Thủy Tề sau khi biết chuyện liền sai bắt Kính Xuyên, Thảo Mai về xử tội. Sau đó bà được rước về THoải Phủ và kết duyên cùng Liễu Nghị – người sau này được phong làm Quốc Tế Thủy Quan. Từ sự gian xảo của Thảo Mai trong câu chuyện mà từ “thảo mai” trong dân gian xuất phát để chỉ người gian manh, xảo quyệt.
Tổng hợp đền thờ Tam Tòa Thánh Mẫu
Vì chính là ba vị Thánh Mẫu đứng đầu trong hệ thống Đạo Mẫu Tứ Phủ cho nên bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy ban thờ Mẫu tại hầu hết các đền thờ trên khắp Việt Nam. Nhưng liệu bạn có biết được đâu là đền thờ chính của ba vị Thánh Mẫu này? Cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Đền thờ Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên
Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời, có thần thông tạo ra mây, mưa, sấm, chớp. Bà gắn liền với văn hóa nông nghiệp, lúa nước của người Việt nên có đền thờ trải dài trên vùng lãnh thổ Việt Nam. Nhưng đền thờ chính được đặt ở những nơi ngài hiển linh để kinh bang tế thế.
Các đền chính thờ Mẫu Đệ nhất là: Di tích từ Phủ Giầy, Nam Định, Đền Bắc Lệ – Lạng Sơn, Phủ Tây Hồ Hà Nội, Đền Phố Cát và Sòng Sơn tại Thanh Hóa, Đền Ngọc Trọng – Cố đô Huế và nhiều nơi khác.
Đâu đâu cũng có di tích đền, phủ nổi tiếng thờ thánh mẫu Liễu Hạnh và nhiều lễ hội được tổ chức để suy tôn bà, ngày khánh tiệc của ngài vào ngày 3/3 Âm lịch.
Đền thờ Thánh Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn
Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi, ngài thể hiện sự gắn bó của nhân dân với núi rừng, từ việc làm ăn chăn nuôi trồng trọt tới việc binh đao chiến trận. Đối với quân thù thì rừng núi được ví như “Rừng Thiêng, Nước Độc” sẵn sàng diệt bất cứ kẻ thù xâm phạm nào. Nhưng với nhân dân Việt Nam ta lại quan niệm Rừng giống như Vàng, như báu vật vô cùng quan trọng của quốc gia, đem lại nguồn tài nguyên sinh sống vô tận.
Hiện nay, Mẫu Đệ Nhị được thờ ở khắp nơi nhưng các đền thờ chính của ngài được đặt ở: Suối Mỡ – Bắc Giang, Đền Bắc Lệ – tỉnh Lạng Sơn và đền Đồng Cuông ở Yên Bái. Riêng đền Đông Cuông ở Yên Bái gắn với tích bà đầu thai làm con gái một tù trưởng ở đây. Ngày hội chính của Đệ Nhị Thánh Mẫu là 20/9 âm lịch hàng năm.
Đền thờ Thánh Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ
Các đền thờ Mẫu Thoải được xây dựng ở nhiều nơi, chủ yếu là khu vực cửa sông, cửa biển do sự tôn kính của dân. Theo các truyền thuyết lưu lại thì bà không trực tiếp giáng sinh hiển lộ thần tích vì vậy bà không có di tích đền thờ chính.
Ngày lễ chính của Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ là này 10/6 âm lịch hàng năm. Lễ hội long trọng nhất diễn ra tại Đền Mẫu Thác Hàn Sơn tại tỉnh Thanh Hóa.
Lời kết
Sau khi đi trình bày các thông tin về Tam Tòa Thánh Mẫu gồm Đệ Nhất Thượng Thiên, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và Mẫu Đệ Tam Thoải phủ. Các thông tin từ quê hương, thần tích, vai trò của mỗi người và các đền thờ phụng các Thánh Mẫu Mẫu.
Có thể thấy Tam Tòa Thánh Mẫu là ba vị nữ thần quan trọng nhất trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đại diện cho trời, rừng núi và sông nước. Ba vị được người dân sùng kính tôn thờ, cầu mong mưa thuận, gió hòa và sự bình an, ấm no cho đất nước.
Các bạn đừng quên dành thời gian tới thăm quan và dâng nhang thể hiện lòng thành kính và biết ơn tới ba vị Thánh Mẫu tại các đền thờ chính của các ngài nhé.
Xem thêm: Lịch sử hình thành Tín ngưỡng thờ Mẫu