Đức Vua Cha là những ai và những điều có thể bạn chưa biết
Có thể các bạn đã biết đứng đầu và là hình tượng biểu trưng của hệ thống Tứ Phủ là 4 vị Thánh Mẫu (Trong Tam Phủ còn gọi là Tam Tòa Thánh Mẫu). Nhưng nếu không tìm hiểu sâu xa thì bạn sẽ không biết được phía trên của 4 vị Thánh Mẫu còn có hàng vị cao hơn được gọi là Đức Vua Cha (Tứ Phủ Thánh Đế hay Tứ vị Vua Cha, Tam vị Đức Vua Cha). Vậy Đức Vua Cha gồm những ai? Các ngài có quyền năng gì? Đền thờ Đức Vua cha ở đâu?Hãy cùng đón xem bài viết dưới đây của website Tứ Phủ để có thêm cho mình những kiến thức Đạo Mẫu đúng đắn mà có thể bạn chưa biết nhé!
Đức Vua Cha hay Tứ vị Vua Cha là hàng vị gì?
Trong Đạo Mẫu ngày trước, theo quan niệm của Tam Phủ Công Đồng thì miền trời đất này được chia làm 3 Phủ gồm: Thiên Phủ, Địa Phủ và Thoải Phủ. Tuy nhiên, sau này thì quan niệm Tam Phủ được phát triên thêm và có thêm miền Nhạc Phủ và hình thành hệ thống Tứ phủ Vạn Linh.
Theo như trong bài viết chi tiết về Hệ Thống Thần Linh Tứ Phủ của chúng tôi, Tứ Phủ Thánh Đế là 4 vị có hàng vị cao thứ 2 trong hệ thống Tứ Phủ, xếp sau Quan Thế Âm Bồ Tát. Tuy nhiên các con nhang đệ tử khi tới viếng thăm lễ lạt ở các đền phủ sẽ ít khi thấy các ngài được thờ chung cùng các vị khác như Tam Tòa Thánh Mẫu, Chầu Thánh, các Quan Hoàng… Bởi theo quan niệm thờ cúng trong Đạo Mẫu thì Tứ vị Vua Cha thường được thờ tự tại một điện thờ riêng hoặc có ban thờ riêng.
Trong khi 4 vị Thánh Mẫu là người cai quản Tứ Phủ thì các Đức Vua Cha là vua cha của 4 vị Thánh Mẫu. Đức Vua Cha chính là 4 người đứng đầu của Tứ Phủ, là những vị thần có quyền năng tối linh nhưng lại không nắm vai trò chủ đạo trong Đạo Mẫu.
Sự xuất hiện của các vị Thánh Đế trong thần điện Tứ Phủ là biểu hiện của những ảnh hưởng từ Đạo giáo đến với Đạo Mẫu. Điều tương tự cũng đã xảy ra với việc tích hợp Đức Phật hoặc Quán Thế Âm Bồ Tát từ Phật giáo.
Tứ vị vua cha gồm:
Tên gọi | Phủ cai quản | Danh tính |
Vua cha Thiên Phủ | Thiên Phủ | Ngọc Hoàng Thượng Đế |
Vua cha Nhạc Phủ | Nhạc Phủ | Tản Viên Sơn Thánh |
Vua cha Thoải Phủ | Thoải Phủ | Bát Hải Long Vương |
Vua cha Địa Phủ | Địa Phủ | Chưa rõ |
- Vua Cha Thiên Phủ Ngọc Hoàng Thượng đế cai quản Thiên binh thiên tướng
- Vua Cha Nhạc Phủ chủ quản toàn bộ đất đai, rừng núi, cùng chư thần và chúng sanh sinh sống tại đó.
- Vua Cha Thoải Phủ chủ quản toàn bộ ao hồ, sông, biển Thủy vực,… trên toàn cõi
- Vua Cha Địa Phủ chưa rõ danh tính vì hiện chưa có tài liệu nào nói về Ngài, chủ quản toàn bộ miền đất đai con người địa phủ,…
Ngoài nội dung đã nêu ở trên thì chúng tôi xin bổ sung thêm một ý kiến khác để các bạn cùng hiểu thêm vì sao nhiều người lại cho rằng chỉ có Tam vị Đức Vua cha thay vì là Tứ Phủ Thánh Đế:
Theo tín ngưỡng Tam Phủ, Các vị vua cha chỉ gồm 3 vị: Vua cha Ngọc Hoàng cai quản thiên giới. Vua cha Bát Hải Động Đình cai quản các công việc dương gian. Vua cha Diêm Vương cai quản âm giới. Chính vì vậy mới có câu: Tam phủ Công Đồng. Nhạc phủ cũng được tính dưới quyền cai quản của Vua Cha Bát Hải. Tản Viên Sơn Thánh là sau này được Ngọc Hoàng phong vị.
Tứ vị vua cha là những ai?
Vua cha Thiên Phủ “Ngọc Hoàng Thượng Đế”
Vua Cha Thiên Phủ hay Ngọc Đế, Vua Cha Ngọc Hoàng là vị có quyền hạn lớn nhất lục giới cai quản toàn bộ lục giới: Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên. Ở nước ta ngài được phối thờ trong các Đền, Chùa và được thờ riêng tại Đền Đậu An tại làng An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Đền Đậu An nằm trên mảnh đất hình đầu rồng; xung quanh có hồ nước trong xanh bao bọc. Ngoài ra Ngài còn được thờ tại Thôn Bằng Sở, Ninh Sở, Thường tín, Hà Nội.
Ngọc Hoàng Thượng Đế là vị Vua Cha Thiên Đình, đứng đầu tất cả Thần Tiên. Có quyền lực tối cao với các quyền năng tự nhiên: mây mưa; sấm chớp; nước lửa…..Ngọc hoàng là người xét phong các Vị thần hoặc xét phạt các Vị Thần Tiên.
Ngài được cho là ở và làm việc tại một cung điện trên trời gọi là Thiên Phủ, nơi có rất nhiều tiên nữ hầu hạ, và các thiên binh thiên tướng canh gác. Mặc dù so về vai vế thứ bậc thì Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh cao nhất trong đạo Mẫu nhưng trên cõi thiên phủ thì Ngọc Hoàng thượng đế lại là đấng tối cao, vì vậy trong các đền phủ ngài cũng được phối thờ và thường có ban thờ riêng với hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu hầu cận hai bên.
Vua cha Bát Hải Động Đình “Vĩnh Công Đại Vương”
Đức Vua cha Bát Hải còn được gọi là Vua Cha Bát Hải Động Đình, là vị vua đứng đầu Thủy phủ, hành dinh của Ngài ở Động Đình Hồ một vùng đất ven biển Đông của nước ta, chứ không phải Đầm Vân Mộng (cũng có tên Động Đình Hồ) ở bên Trung Quốc. Theo truyền thuyết lưu truyền thì ngài là cha của Thánh mẫu Xích Lân Long Nữ, là nhạc phụ của Kinh Dương Vương (Kinh Xuyên), thủy tổ của Bách Việt.
Theo lịch sử, thời kì đầu Văn Lang, dân tộc Lạc Việt theo chế độ Mẫu Hệ ( tức coi trọng người mẹ, người phụ nữ trong nhà). Thứ 2 nữa về huyết thống thì huyết thống rồng của Long Nữ quả thực là cao quý hơn rất nhiều. Và vì vậy mà theo suy đoán của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử thì khi nói đến vua cha ở đấy chính là lời mà Kinh Dương Vương gọi bố vợ – tức Long Vương cai quản Động Đình Hồ.
Đền Thờ Đức Vua cha Bát Hải Động Đình lập tại Đền Đồng Bằng; thôn Đồng Bằng; xã An Lễ; huyện Quỳnh Phụ; Tỉnh Thái Bình. Đền được xây dựng từ thời Vua Duệ Vương; đời Vua hùng thứ 18. Ngài là người có công lớn trong việc bình giặc Thục vào thời Vua Hùng thứ 18; âm phù cho Hưng Đạo Đại vương đánh thắng quân Nguyên Mông; giữ yên bờ cõi.
Vua cha Nhạc phủ “Tản viên Sơn Thánh”
Vua cha Nhạc phủ là một vị thần tối linh trong Tứ bất tử của Việt Nam; là Tản Viên Sơn Thánh. Đức Thánh Tản là cha của Mẫu Thượng Ngàn; tức La Bình Công Chúa. Trong tứ bất tử thì Tản viên Sơn thánh là vị đứng đầu; ngài còn được phong là Nam Thiên Thánh Tổ.
Ngọc phả tại Đền Và ghi lại: “Vua Hùng gia phong cho Sơn Thánh làm Nhạc phủ kiên thượng đẳng….từ đó phụng mệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng với Tứ phủ công đồng ở trên hải đảo đi tuần xét mọi việc trong nhân gian”.
Ngài hiển linh vào thời Vua Hùng thứ 18; là vị tướng tài chống giặc xâm lược nhà Thục; bảo vệ Văn Lang. Vĩnh Công cùng các Vị Quan lớn đánh thắng giặc trên các cửa biển; còn Đức Thánh Tản đã đẩy lùi quân giặc ở đường bộ trên vùng đồi núi.
Đền thờ Đức Vua Cha Tản Viên Sơn Thánh được thờ tự tại nhiều nơi: Đền Thượng trên đỉnh Tản của núi Ba vì; Đền Và cạnh thị xã Sơn Tây; đền Trung ở núi Chàng rể; đền Hạ ở bờ hữu Sông Đà; huyện Thanh Thủy; Phú Thọ….
Ngoài việc giúp Vua hùng đánh giặc giữ nước; ngài còn là một trong bốn vị tứ bất tử; ngài đi khắp nơi dạy nhân dân làm ăn sinh sống.
Vua cha Địa Phủ
Vua cha Địa Phủ còn gọi là Địa phủ Thánh đế, là vị Vua cha gắn liền trong tín ngưỡng Tam tứ phủ, ngài là vị thần cai quản miền đất. Hình ảnh Vua Cha Địa Phủ chịu ảnh hưởng khá nhiều tứ Đạo Giáo của Trung Quốc, và là hình ảnh mang đậm chất văn hóa tinh thần người dân Việt Nam thay thế cho Phong Đô Đại Đế và Thập Điện Diêm La của Đạo Giáo. Bên cạnh đó còn có hệ thống các vị quan trong Địa Phủ tại Việt Nam là Quan Lớn Đệ Tứ, Chầu Đệ Tứ, Chầu Bát, Chầu Mười, Quan Hoàng Mười,… là những anh hùng có công với dân tộc.
Hiện chưa biết vì lý do gì mà không có nhiều tài liệu nói về thông tin và đền thờ Vua cha Địa Phủ, từ Danh Tính tới các truyền thuyết. Cũng có tài liệu cho rằng do vị trí Vua cha Địa Phủ quá quan trọng và chưa thể tìm ra được vị Thánh nào phù hợp với vị trí này.
Lời kết
Tuy rằng tại các hệ thống Đền Thờ tại Việt Nam không có nhiều đền thờ các Đức Vua Cha nhưng thông qua bài viết này, bạn đã có thể biết được trong hệ thống thần linh Tứ Phủ Đạo Mẫu thì các Đức Vua Cha (Tứ vị Vua Cha, Tam vị Vua cha) nắm hàng vị tối linh cao hơn cả 4 vị Thánh Mẫu (Tam Tòa Thánh Mẫu).
Trong quá trình thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ, Tứ Phủ hay trong các đản lễ mong quý vị sẽ không quên bái thỉnh các ngài.